Nghị quyết 04-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện khóa XXIV Về tăng cường sự lãnh đạo nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân trong thời kỳ CNH, HĐH; xây dựng nông thôn mới

 ĐẢNG BỘ TỈNH THANH HÓA                   ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

HUYỆN ỦY QUẢNG XƯƠNG

                        *                                                     Quảng Xương, ngày 30  tháng 12 năm 2011

     Số 004 -NQ/HU

NGHỊ QUYẾT

CỦA BCH ĐẢNG BỘ HUYỆN

Về tăng cường  sự lãnh đạo  nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân         

    trong thời kỳ CNH, HĐH; xây dựng nông thôn mới

-------------

 

Ý thức trách nhiệm công dân là một phạm trù ý thức xã hội được hình thành từ tình cảm, niềm tin, thái độ của công dân đối với Tổ quốc, đối với Đảng, Nhà nước. Được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật, các chuẩn mực giá trị đạo đức, truyền thống của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng khi ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao thì xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.

Trong những  năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương. Trình độ dân trí của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã từng bước được nâng lên; nhiều chủ trương lớn của Đảng được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt của quê hương ngày càng được đổi mới. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã nhận thức rõ được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai thực hiện và thu được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an  toàn xã hội. Một số lĩnh vực đời sống xã hội đã có chuyển biến theo huớng văn minh, nhiều di sản văn hóa trên địa bàn đã được trùng tu khôi phục và có tác động lớn đến tình cảm, niềm tin, lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân.

Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều yếu kém; một bộ phận công dân vẫn chưa tự giác, thiếu ý thức chấp hành pháp luật; sống thực dụng, xa rời đạo đức văn hóa truyền thống dân tộc; chưa nhận thức rõ được ý thức và trách nhiệm công dân của mình trong việc xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, chưa xây dựng được tình cảm, niềm tin, thái độ giác ngộ, ý thức công dân đối với việc thực hiện pháp luật; chưa tạo lập được thói quen trong sinh hoạt ứng xử phù hợp theo các chuẩn mực đạo đức. Một bộ phận công dân chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước, lười lao động, có lối sống thực dụng, tùy tiện, ứng xử thiếu văn hoá, làm ăn không minh bạch. Tình trạng xây dựng các cửa hàng dịch vụ, nhà ở lấn chiếm lòng, lề đường, đất lưu không của nhà nước; thanh niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi, cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội, gây mất ổn định ở một số nơi, phá vỡ quy hoạch của Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do:  Nhận thức của các cấp uỷ về nâng cao ý thức trách nhiệm công dân chưa đúng mức nên chưa tập trung và giành nhiều thời gian cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; sự quan tâm, phối kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa tốt nên một bộ phận thanh, thiếu niên ưa lối sống thực dụng, xa rời truyền thống  đạo đức của dân tộc.

Sự tác động của tình hình thế giới trong thời kỳ hội nhập, cùng với mặt trái của nền kinh tế thị trường và do ảnh hưởng của tập quán sản xuất nhỏ còn khá phổ biến nên tính bảo thủ, tùy tiện vẫn còn tồn tại. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức còn mang tính giản đơn, chưa có chiều sâu, chậm được khắc phục; chưa có những biện pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân.

          Để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới, Ban Chấp hành đảng bộ huyện ban hành nghị quyết về: tăng cường sự lãnh đạo nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân trong thời kỳ CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới.

I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ NHIỆM VỤ:

 1- Mục tiêu

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, căn bản, bền vững về ý thức trách nhiệm công dân; nâng cao ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của tổ chức, các cơ quan, đơn vị, quy ước, hơưng ước của làng, thôn xóm, đơn vị văn hóa. Xây dựng môi trường lành mạnh, đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn Cách mạng mới.

2- Quan điểm:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng về nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong thời kỳ CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

- Nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân trong thời kỳ CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp, là điều kiện để xây dựng quê hương Quảng  xương giàu mạnh, văn minh .

- Giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân là xây dựng một xã hội  phát triển hài hòa, bền vững và xây dựng con người mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; trong quá trình thực hiện phải kết hợp xây và chống, lấy xây để chống.

- Công tác lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, vai trò của Nhà nước, sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể quần chúng và toàn xã hội đối với việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của công dân là yếu tố quyết định thành công; không ngừng phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế; tập trung tuyên truyền giáo dục sâu rộng, toàn diện đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

3- Nhiệm vụ:

3.1- Nâng cao nhận thức của công dân về ý thức và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để xây dựng quê hương, đất nước; kiên trì thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH xây dựng nông thôn mới.

       3.2- Giáo dục tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, yêu lao động; xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

      3.3- Ngăn chặn các hành vi, lối sống tuỳ tiện, buông thả, vi phạm pháp luật, những việc làm trái với truyền thống đạo lý, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

3.4- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; có những biện pháp hành chính, các chế tài xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm, từng bước hình thành ý thức “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

II- CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP.

 1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân:

      Mở đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2012 và những năm tiếp theo. Tiếp tục cụ thể hoá tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương đi đầu trong việc tự rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, xem đây là yếu tố quan trọng để Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Hàng năm các cấp ủy chỉ đạo tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân làm tốt, nhân điển hình tiên tiến, phê bình, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, kết quả thực hiện yếu kém; đưa nội dung này thành một tiêu chí quan trọng trong xếp loại thi đua hàng năm đối với tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức, đơn vị, cá nhân.

   2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm công dân trong thời kỳ CNH, HĐH xây dựng nông thôn mới:

- Nâng cao chất lượng hội đồng phổ biến tuyên truyền và giáo dục pháp luật. Xây dựng nội dung tuyên truyền theo các chuyên đề, các vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tập trung tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức của công dân về Hiến pháp và Pháp luật. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp cho công dân trong cộng đồng dân cư. Tạo dư luận xã hội lên án các hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, lối sống tuỳ tiện, buông thả, trái với truyền thống đạo lý của dân tộc làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hoá cộng đồng, cản trở sự phát triển.

- Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ báo cáo viên, cán bộ tư pháp. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, đào tạo về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ này và có chính sách hợp lý, động viên, để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; hàng năm cần bố trí một khoản ngân sách cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

- Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: Mỡ các lớp tập huấn, tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; nhóm nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tổ hòa giải; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật với hình thức phong phú, sinh động; tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống Đài truyền thanh của huyện và cơ sở; phát huy tốt hiệu quả của các tủ sách pháp luật ở các địa phương....

- Các nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng môn học giáo dục công dân, có những hình thức hoạt động sinh động, phong phú, giúp học sinh tìm hiểu các bộ Luật cơ bản hiện hành, tránh những hành vi vi phạm pháp luật.

3- Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước nâng cao ý thức trách nhiệm công dân

-Tăng cường quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực như xây dựng cơ bản; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; môi trường sinh thái; an toàn giao thông; chỉnh trang khu dân cư; rà soát bổ sung nội quy, quy chế, nghiên cứu ban hành một số văn bản hành chính liên quan đến các vấn đề trên, tạo điều kiện để cho các ngành chức năng chủ động thực thi nhiệm vụ.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của nhân dân, từng bước tạo lập thói quen và ý thức và trách nhiệm của công dân nơi công cộng, ở các khu dân cư, nhà văn hóa, nơi công sở.......

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; thành lập đội kiểm tra liên ngành, áp dụng các chế tài cần thiết để xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn; xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật.

4- Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm công dân:

MTTQ và các đoàn thể huyện xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện đến toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường phát động các phong trào thi đua yêu nước; có các hình thức  vận động phù hợp, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ứng xử văn hóa, truyền thống đạo lý của dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Tăng cường thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt để nhân ra diện rộng; đồng thời, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân báo cáo về kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

      - Các cấp ủy tổ chức triển khai nội dung  nghị quyết đến tất cả cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mở cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm công dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

- UBND huyện xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, có những biện pháp cụ thể với những vấn đề cấp bách như VSMT, hành lang an toàn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện, theo chức trách nhiệm vụ được giao, nghiên cứu tổ chức triển khai điểm một số xã, thị trấn.

- Ban dân vận Huyện uỷ chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, tổ chức nghiên cứu, học tập, triển khai bằng nhiều hình thức cho các thành viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

- Đảng uỷ các xã, thị trấn, đảng uỷ, chi uỷ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục ở địa phương, cơ quan, đơn vị, hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết trên địa bàn.

- Ban Tuyên giáo Huyện uỷ chủ trì biên soạn tài liệu hướng dẫn triển khai học tập Nghị quyết, chỉ đạo Phòng văn hoá thông tin, Trung tâm VHTT - TDTT huyện, Đài truyền thanh huyện, Đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thực hiện nghị quyết đảm bảo nội dung phong phú, hấp dẫn, thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Ngành giáo dục- đào tạo nghiên cứu lựa chọn chương trình toàn khoá để đưa nội dung nghị quyết vào các buổi học ngoại khoá cho học sinh.

 - Văn phòng Huyện uỷ, các Ban Xây dựng Đảng tăng cường kiểm tra, đôn dốc, theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, tổng hợp tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết, tham mưu cho Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ tổ chức sơ kết, tổng kết, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

 

Nơi nhận                                                                        T/M BCH ĐẢNG BỘ HUYỆN

- Văn phòng Tỉnh ủy (để b/c)                                        BÍ THƯ

- Các đ/c HUV;

- Các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc;                               (Đã ký)

- Lưu VPHU.

 

                                                                                               Nguyễn Đức Xuân