Huyện ta: Tăng cường nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”

Với khẩu hiệu “kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo duy trì thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết các TTHC theo cơ chế “một cửa” tại huyện và các xã, thị trấn nhằm đảm bảo giải quyết tốt các công việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉnh trang nơi “tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” khang trang, thoáng mát. Đồng thời thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy định và mức thu phí, lệ phí, cũng như xây dựng hòm thư góp ý, số điện thoại…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm thời gian, giảm số lần đi lại của công dân. Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo bộ phận “một cửa” nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác giải quyết TTHC cho các tổ chức, công dân; coi nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục. Đặc biệt, bộ phận “một cửa”, “Tổ đầu mối kiểm soát TTHC” của huyện thường xuyên tiến hành rà soát các TTHC, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các hướng dẫn của cấp trên về công tác cải cách hành chính để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị huỷ bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Năm 2015 bộ phận “một cửa” cấp huyện tiếp nhận và giải quyết 12.450 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 12.200 hồ sơ đạt 97,99%. Tổng số hồ sơ giải quyết qua bộ phận "một cửa" các xã, thị trấn là 262.930 hồ sơ, đã giải quyết được 260.855 hồ sơ đúng hạn chiếm 99.8% số hồ sơ trong hạn giải quyết.

Hiệu quả từ việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã phát huy tinh thần trách nhiệm và đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Nhờ đó tiết kiệm thời gian, giảm thiểu số lần đi lại của các tổ chức và công dân, góp phần chống tiêu cực, phiền hà. Thông qua việc thực hiện cơ chế “một cửa” mối quan hệ giữa cơ quan, đơn vị với tổ chức và công dân có sự chuyển biến từ tư duy quản lý "xin-cho" sang tư duy "phục vụ", nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" ở huyện đã tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng phát triển./.

Thanh Hải - ĐTTQX