Xây dựng sản phẩm OCOP dưa Kim hoàng hậu trong nhà kính tại xã Quảng Hợp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Xương nói chung, xã Quảng Hợp nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản ngày càng tăng, bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh lúa, hoa, màu cho hiệu quả kinh tế cao

Vườn dưa Kim hoàng hậu của gia đình anh Thảo, chị Hoan

  Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời phát huy thế mạnh các sản phẩm lợi thế của địa phương như vùng sản xuất lúa gạo tập trung, quy mô lớn, vùng sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa kim hoàng hậu, dưa chuột bao tử,.... để tạo thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

 Xuất phát từ yêu cầu thực tế của sự phát triển kinh tế của xã hội nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng, chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM; sản phẩm OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia. Vì vậy Dự án “Tạo thương hiệu sản phẩm OCOP dưa Kim hoàng hậu sản xuất trong nhà lưới tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương ” là việc làm cần thiết.

Với tình yêu dành cho nông nghiệp, năm 2019 vợ chồng Trần Văn Thảo - Nguyễn Thị Hoan đã đấu thầu gần 2 ha để xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ. Khi ấy, cánh đồng Lái, thôn Én Giang,  xã Quảng Hợp là vùng trũng, không ai muốn đầu tư, nhiều diện tích bị bỏ hoang bởi người dân không còn mặn mà canh tác. Từ nguồn vốn liếng hiện có, anh chị đã bỏ tiền làm đường bê tông dẫn vào khu trang trại, xây dựng hạ tầng để mô hình nhanh chóng đi vào sản xuất. Một trang trại – mô hình nông nghiệp tổng hợp đã nhanh chóng thành hình từ sự đồng tâm hợp lực của hai vợ chồng. Trong gần 2 ha ấy, anh chị cho xây lắp gần 8.000 m2 nhà lưới dành cho trồng rau sạch và dưa vàng Kim hoàng hậu. Các loại rau thơm, rau cải, rau ngót cứ thay nhau gối lứa, phủ màu xanh. Riêng dưa, mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, với sản lượng 5 đến 6 tấn quả/vụ. Được biết, các loại rau ở mô hình nông nghiệp này đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng sản phẩm dưa vàng, đã được gia đình anh Thảo đăng ký nhãn hiệu và các sản phẩm từ trang trại này đã được bày bán ở nhiều cửa hàng rau quả an toàn ở Thanh Hóa.

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT tham quan mô hình trồng dưa Kim hoàng hậu

 Để xây dựng dưa Kim hoàng hậu đạt tiêu chuẩn OCOP gia đình đã xây dựng nhà kính là 6.000 m2 để trồng, là một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và dễ tiêu thụ ... Với kinh nghiệm và kỹ thuật được tích lũy trong nhiều năm, anh đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, đồng thời ứng dụng công nghệ vi sinh, dùng phân bò hoai mục phối trộn với một số loại phân NPK có thành phần Oganic để bón cho dưa, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng  và phát triển tốt, vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của quả dưa. Dưa

Kim hoàng hậu từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 – 75 ngày. Giống dưa này cho năng suất cao hơn các loại dưa khác. Dưa sau khi thu hoạch chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát là có thể bảo quản được một tháng, để lâu thì vỏ có màu vàng đậm và ngọt hơn. Hiện loại dưa này đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng nên anh đăng ký chứng nhận quy trình sản xuất Vietgap với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa. Vì vậy, sản phẩm được kiểm tra chất lượng định kỳ và dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó sản phẩm dưa Kim hoàng hậu của gia đình được bày bán tại các cửa hàng bán thực phẩm sạch, mang đến sự yên tâm cho người dùng.

Chị Nguyễn Thị Hoan đang thu hoạch dưa 

Anh Trần Văn Thảo cho biết: “Việc trồng dưa trong nhà màng có nhiều ưu điểm như ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, sản phẩm rau, quả an toàn, có chỉ dẫn địa lý, được truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Do sản xuất trong nhà lưới, nhà kính có thể tăng được số vòng quay thời vụ cho sản xuất rau, quả trồng quanh năm. Trồng các loại cây trồng có giá trị hiệu quả kinh tế cao như: cây dưa Kim Hoàng Hậu, dưa lưới thu nhập từ 150 triệu  đến 200. triệu đồng/1.000 m2 nhà lưới/vụ sản xuất”.

Ngoài việc tăng thu nhập, dự án trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, tận dụng lao động nông nhàn, tạo ra tập quán sản xuất rau, quả an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đồng thời cung cấp rau, quả quanh năm cho thị trường, tạo thương hiệu ổn định cho sản phẩm.  Phương thức sản xuất rau, quả an toàn trong nhà lưới, nhà kính theo quy trình VietGAP, tiêu chuẩn OCOP sẽ  tạo ra sản phẩm an toàn, được thị trường chấp nhận và  hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất rau, quả./.

Văn Chinh