Gương thanh niên làm kinh tế giỏi tại xã Quảng Hợp

Phát huy tính xung kích của tuổi trẻ, với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, sau hơn 3 năm “bén duyên” với nghề nuôi thỏ, đoàn viên Vũ Anh Tuấn, sinh năm 1991, trú tại thôn Hợp Gia, xã Quảng Hợp đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình nuôi thỏ của anh Vũ Anh Tuấn cho thu lãi khoảng 250 triệu đồng mỗi năm

Năm 2019, sau khi dịch tả lợn châu phi bùng phát, khiến tổng đàn lợn trên 100 con của gia đình anh Tuấn bị tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhằm khôi phục sản xuất theo hướng chuyển đổi con nuôi phù hợp, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Nam Thanh Hóa được 300 triệu đồng để đầu tư cải tạo lại khu chuồng nuôi lợn thành 5 dãy chuồng nuôi thỏ theo quy mô khép kín, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ban đầu, anh Tuấn nhập 35 con thỏ cái và 5 con thỏ đực về nuôi để tự nhân giống; sau 2 tháng nuôi, thỏ bắt đầu cho sinh sản, do mới nuôi chưa nẵm vững kỹ thuật, nguồn thức ăn không đảm bảo sạch sẽ nên thỏ con hay bị mắc các bệnh đường ruột, ghẻ, nấm dẫn đến chậm lớn và chết nhiều. Không nản chí, sau một thời gian vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế và tìm hiểu trên mạng internet, anh Tuấn đã khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi, đàn thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ thỏ (nhất là thỏ con) bị nhiễm bệnh và chết hầu như không còn. Thấy chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Tuấn tiếp tục tìm đến Hợp tác xã chăn nuôi và phát triển giống thỏ NewZealand đóng trên địa bàn huyện Triệu Sơn mua thêm thỏ mẹ về nuôi để mở rộng quy mô đàn thỏ thương phẩm theo hình thức gối lứa. Anh Tuấn cho biết: Nếu nắm vững kỹ thuật thì thỏ là loại động vật dễ nuôi, sinh sản nhanh, bình quân mỗi năm thỏ  đẻ 7 đến 9 lứa, mỗi lứa đẻ 6 đến 12 con. Chỉ sau 3 tháng nuôi, thỏ có thể đạt được trọng lượng từ 2,5 – 3 kg/con và có thể cho xuất chuồng. Tuy nhiên, thỏ là loại vật nuôi có sức đề kháng cơ thể kém, nên khi thời tiết thay đổi thỏ dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, đòi hỏi người nuôi phải luôn giữ cho nền chuồng khô ráo, thông thoáng đảm bảo vệ sinh, phun thuốc khử trùng theo định kỳ và thường xuyên tiêm phòng các loại vác xin bại huyết, cầu trùng, ghẻ… để phòng bệnh hiệu quả; cần cung cấp đầy đủ nguồn nuớc uống sạch sẽ, thức ăn thô và xen lẫn rau xanh đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho thỏ lớn nhanh, ít bị bệnh, thịt chắc, con giống khỏe….

Trung bình một tháng anh Tuấn cung cấp cho thị trường gần 500 con thỏ

thương phẩm với giá 85 đến 90 nghìn đồng một cân 

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn thỏ trong chuồng của anh Tuấn luôn duy trì ổn định trên 2 nghìn con thỏ thương phẩm, thỏ giống và gần 200 thỏ mẹ sinh sản. Trung bình một tháng anh cung cấp cho thị trường gần 500 con thỏ thương phẩm có trọng lượng đạt từ 2,5 đến 2,7 kg, với giá bán dao động từ 85 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/ kg. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, anh Tuấn thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Cuối năm 2021, sản phẩm thỏ thương phẩm của trang trại anh được huyện công nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nói về dự định sắp tới, anh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn xây dựng thêm 1 khu chăn nuôi thỏ với quy mô khoảng 1.000m2 để không những tăng thu nhập cho gia đình, cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương, mà còn mong muốn trở thành địa chỉ cung cấp con giống, kỹ thuật cho người dân, nhất là đoàn viên thanh niên có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương.

Nguyễn Liên (Trung tâm VH,TT,TT&DL)