Huyện Quảng Xương nâng cao giá trị kinh tế vùng nuôi trồng thủy sản

Với nhiều giải pháp đồng bộ, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả kinh tế mang lại từ các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại nhiều địa phương.

Mô hình nuôi ốc nhồi của Công ty Thiên Bảo, thị trấn Tân Phong

Huyện Quảng Xương có trên 1.300 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, các địa phương và hộ dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, tập trung, đem lại giá trị thu nhập cao.

Được xác định là khâu đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện Quảng Xương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại giá trị thu nhập cao. Trong đó, tập trung phát triển vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Khê, Quảng Thạch; triển khai vùng nhân giống và nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Định, thị trấn Tân Phong. Tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt phù hợp với quy chuẩn. Đồng thời xác định đối tượng nuôi chủ lực đối với từng vùng nuôi và hình thức nuôi phù hợp theo hướng hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với tôm nước lợ và ngao. Kiểm soát chặt chất lượng vật tư đầu vào như: Giống, thức ăn, chế phẩm sinh học các loại... Kiểm soát chặt chẽ môi trường ao nuôi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật…

Mô hình nuôi tôm công nghiệp tại xã Quảng Chính

 Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương: Việc thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất cho diện tích nuôi trồng thủy sản đã giúp lợi nhuận được nâng lên đáng kể. Hiện tại, lợi nhuận nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, như: Mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp đạt lợi nhuận 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; nuôi ốc nhồi đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp tại xã Quảng Nham

Để phát huy mạnh mẽ lợi thế, tiềm năng ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ của huyện,  các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương tham gia tích cực vào chương trình sản xuất, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch sản xuất ngành thủy sản năm 2022./.

Hồng Nhung (Trung tâm VH,TT,TT&DL)