Mô hình nuôi ong cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tiên Trang

Tận dụng đất vườn rộng và lợi thế nhà gần núi Chẹt, có nguồn hoa dồi dào, ông Dương Văn Tứ ở thôn 2, xã Tiên Trang đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nhân giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Tứ cho biết, nghề nuôi ong không cần đầu tư vốn nhiều mà chỉ cần nắm vững kỹ thuật nuôi

Cơ duyên đến với nghề nuôi ong của ông Tứ bắt đầu từ năm 2003, ban đầu chỉ với số lượng ít, sau đó nhận thấy khu vực nơi ông ở có nhiều nguồn hoa dồi dào, thích hợp để nuôi ong nên mỗi năm ông Tứ nghiên cứu tạo ong chúa để tách đàn, mở rộng quy mô. Mỗi thùng ong, trung bình một năm ông thay ong chúa 2 lần để ong sinh sản mạnh, đảm bảo giống tốt và cho lượng mật nhiều. Bên cạnh đó, ông Tứ còn dành nhiều thời gian quan sát, làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, gián và các loại côn trùng vào thùng, gây hại cho ong. Ông chia sẻ: Nghề nuôi ong chi phí bỏ ra ban đầu thấp, không cần đầu tư vốn nhiều mà chỉ cần nắm vững kỹ thuật, tập tính con ong để chăm sóc, quản lý, nhất là việc chia tách đàn mỗi khi đàn ong quá đông. Nuôi ong muốn mật nhiều và chất lượng tốt thì không thể ở yên một chỗ, nên ngoài nuôi tại vườn nhà, ông Tứ còn di chuyển đàn ong đến các hộ dân trong xã, nơi có nhiều nguồn hoa để ong có nguyên liệu làm mật. Mùa thu hoạch ong từ tháng 2 dương lịch đến tháng 6 dương lịch, khoảng thời gian này nhiều hoa nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, ong sẽ lấy mật nhanh và đàn ong phải khỏe mạnh, trong thùng phải đảm bảo có từ 8 đến 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh. Qua tháng 6 dương lịch, hết mùa hoa là giai đoạn chăm sóc, dưỡng ong, ngoài nguồn thức ăn từ thiên nhiên, người nuôi cần cho ong ăn thêm đường, phấn hoa để đảm bảo chất dinh dưỡng, cho ăn phát triển tốt.

Với 80 đàn ong, sau khi trừ chi phí mỗi năm cho ông Tứ thu lãi trên 200 triệu đồng

Với 80 đàn ong, mỗi năm gia đình ông thu hoạch gần 600 lít mật, giá bán cho thị trường từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/ lít. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Tứ còn bán dụng cụ nuôi ong, giống ong và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu; bình quân mỗi năm ông bán từ 35 đến 40 đàn ong với giá 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/ đàn, tùy từng thời điểm. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi ong của gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/ năm.

Nhờ lợi thế gần núi, đất vườn rộng, nghề nuôi ong lấy mật, bán giống đã trở thành sinh kế bền vững mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho gia đình ông Dương Văn Tứ. Hiện nay, ông đang thực hiện chăn nuôi ong theo quy trình VietGap từ khâu chăm sóc, lấy mật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng đến tạo thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong nguyên chất, với mục tiêu đóng chai, dán tem, đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong tỉnh và được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Nguyễn Liên (Trung tâm VH,TT,TT&DL)