Mô hình nuôi cá lóc cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tiên Trang

Sau 3 năm nỗ lực tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại quê hương, anh Trần Văn Hồng, ở thôn 4, xã Tiên Trang đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước khi đến với nghề nuôi cá lóc trong bể xi măng, anh Hồng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, năm 2019 dịch tả lợn châu phi bùng phát, khiến tổng đàn lợn gần 400 con của gia đình anh bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy hoàn toàn. Không dám tái đàn lợn nên anh quyết định chuyển sang chăn nuôi cá lóc trong bể xi măng. Để thực hiện mô hình, anh Hồng đã vay vốn, đầu tư gần 600 triệu đồng cải tạo lại khu chăn nuôi lợn thành 9 bể xi măng, mỗi bể có diện tích rộng 60m2, cao 1,2m để nuôi cá lóc thương phẩm. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế nên anh Hồng chỉ đưa vào nuôi thử nghiệm với số lượng ít; sau khi nắm vững kỹ thuật và hiểu về đặc tính của loại cá lóc cũng như tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, anh đã trực tiếp vào tận tỉnh An Giang để nhập con giống đảm bảo chất lượng về thả nuôi với số lượng lớn, nên từ lứa nuôi thứ hai đã cho thu lợi nhuận cao.

Trung bình một năm, anh Hồng cung cấp ra thị trường trong và

ngoài tỉnh khoảng 30 tấn cá lóc thương phẩm

Theo anh Hồng, nuôi cá trong bể xi măng không khó, chỉ cần nuôi 1 đến 2 vụ đầu là cơ bản nẵm vững kỹ thuật nuôi. Thời gian nuôi khoảng 7 tháng, trọng lượng đạt 8 đến 9 lạng là có thể xuất bán, với mật độ nuôi từ 100 - 140 con/m2. Cá nuôi trong bể xi măng thuận lợi trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh; tốn ít công khi thu hoạch. Để cá nhanh lớn, các bể nuôi phải có cống cấp, thoát nước chủ động; nguồn nước sạch sẽ, không bị ô nhiễm, bể nuôi phải được thay nước hàng ngày và có mái che bằng lưới để tạo sự thoáng mát cho cá; cần nhập nguồn giống ở những nơi có uy tín, cá không bị xây sát, dịch bệnh mới đảm bảo tỷ lệ sống cao; trong quá trình nuôi, phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, đặc biệt ở tháng thứ hai là thời điểm cá sinh trưởng mạnh dễ mắc một số bệnh, như: Bệnh đường ruột, lở loét, nấm mang…Do đó, cần phát hiện bệnh sớm để có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý.

Sau khi trừ chi phí mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của

gia đình anh Trần Văn Hồng cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng 1 năm

Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng có ưu điểm không cần diện tích lớn, có thể tận dụng đất trống quanh nhà để xây bể nuôi. Nguồn thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp nên cá lớn nhanh, mau thu hồi vốn, lợi nhuận cao. Trung bình một năm, trang trại nuôi cá lóc của anh Hồng cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30 tấn cá lóc thương phẩm, với giá bán dao động từ 47 nghìn đồng đến 52 nghìn đồng/ kg. Sau khi trừ chi phí, mang lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/ năm.

Có thể khẳng định, với tinh thần dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế gia đình, đã giúp anh Trần Văn Hồng bước đầu gặt hái được những thành công từ mô hình nuôi cá lóc; đồng thời mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

 

Nguyễn Liên (Trung tâm VH,TT,TT&DL)