ĐỀN PHÚC VÀ BIA TÂY SƠN XÃ QUẢNG NHAM, HUYỆN QUẢNG XƯƠNG – ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH VĂN HÓA TÂM LINH

Làng Cự Nham thuộc xã Quảng Nham nằm bên cửa Lạch Ghép, nơi mỏm đất nhô ra sát biển (vì thế còn có tên nôm xưa gọi là cửa Mom, kẻ Mom hoặc Mỏm). Từ rất cổ xưa, cư dân nơi đây đã lập một ngôi Đền thờ nổi tiếng linh thiêng có tên là Đền Mom.

Bia Tây Sơn tại Đền Phúc

Vào đời nhà Trần, khi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chọn núi Văn Trinh (xã Quảng Hợp) lập đại bản doanh để trấn giữ và bảo vệ phía Nam bờ cõi Đại Việt đã lấy vùng sông biển cửa Mom này làm nơi luyện tập thủy binh. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2 (năm 1258), các vua Trần và gia quyến phải rút lui chiến lược về Thanh Hóa để chờ thời cơ phản công tiến chiếm lại Thăng Long. Trong lần thủy binh Đại Việt chặn đánh thủy quân Toa Đô từ phía trong kéo ra ồ ạt đổ bộ vào vùng đất Quảng Xương hòng truy bắt vua Trần thì bỗng dưng trời hết gió đông, gió nam thổi mạnh gây bất lợi cho quân ta, thủy quân nhà Trần lên bờ để hội quân trên bộ và bàn kế sách đánh trả đã vào Đền dâng hương cầu khấn. Bất ngờ ứng nghiệm có gió đông nổi lên, vua Trần cùng thủy binh Đại việt đã đánh cho Toa Đô đại bại phải chạy ngược lên vùng phía Bắc thì bị đạo quân của Đại Toát Lê Mạnh tại hương Yên Duyên (xã Quảng Hùng ngày nay) mật phục tiến đánh, Toa Đô suýt chút nữa là đã bị bỏ mạng trên đất Quảng Xương nếu không có kẻ phản bội dẫn đường. Sau ngày chiến thắng, vua Trần ban sắc xây dựng Đền Mom to lớn nguy nga và tự tay tặng Hoành phi câu đối cho Đền:

"Xã tắc phát phu bất ư Mông Cổ đồng thiên địa

Xuân thu trữ đậu trường giữ ly thiên vạn cổ kim"

Dịch nghĩa:

Toàn dân cắt tóc xin thề không đội trời chung với giặc Mông Cổ

Quanh năm cúng giỗ giữ niềm tin trong trời đất muôn đời.

Cổng tam quan của ngôi Đền 

Vào cuối triều nhà Trần, vua Trần sai Trần Khát Chân chặn đánh Chế Bồng Nga tại khu vực cửa Mom, lạch Ghép. Vì thế tại Đền Phúc có thờ Trần Khát Chân và lễ hội tưởng nhớ Trần Khát Chân

Đến thời Tây Sơn (1778-1802) trong lần tiến quân ra Bắc để ổn định tình hình Bắc Hà với lá cờ "Phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ đi bằng đường thủy đã vào Lạch Ghép, tại đây đã diễn ra một cuộc quyết chiến để dành lấy tuyến thủy bộ quan trọng trên đường hành quân ra Bắc Hà. Trên đường hành quân, Nguyễn Huệ đã vào Đền Mom dâng hương và hội quân thủy bộ. Sau ngày chiến thắng trở về, Nguyễn Huệ đã ban sắc trùng tu lại Đền, đồng thời cho người soạn và khắc văn bia vào đá ban tặng và cho đổi tên thành Đền Phúc từ đó. Trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc lần thứ hai để đại phá quân Thanh năm 1789, Vua Quang Trung lại dừng chân vào đền dâng hương, tuyển mộ thêm trai tráng trong vùng để hội cùng đoàn quân Bắc tiến chinh phạt quân Thanh.

Đền chính của di tích được phục dựng 

Như vậy, Đền Mom - Đền Phúc được xây dựng vào đời nhà Trần, được trùng tu tôn tạo vào đời Quang Trung - Nguyễn Huệ với kiến trúc uy nghi, cổ kính. Bên hữu của Đền có Đền Ông thờ Đức Thánh Lưỡng (Trần Nhật Duật và Trần Khát Chân) nhỏ hơn đền Phúc, ngoảnh mặt hướng Nam; bên tả của Đền có đình thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng ngoảnh mặt hướng Nam. Đình có 5 gian, gian đầu lớn nhất để thờ, 4 gian còn lại để hội họp, hát trống quân Tây Sơn, hát giao duyên cửa đình.

Chuông đồng tại Đền Phúc và Bia Tây Sơn - 

Bia Tây Sơn (bia Đền Phúc) là một văn bia cổ do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ban tặng (Phúc từ bi ký; Hoàng Triều Quang Trung Bính Ngọ hạ thiên). Toàn bộ nội dung văn bia ghi lại chứng tích lịch sử một thời về vùng đất kẻ Mom.

Di tích Đền Phúc và Bia Tây Sơn cùng quần thể danh thắng nơi đây không những có giá trị to lớn về mặt lịch sử, kiến trúc, mà nơi đây còn lưu giữ và để lại một vốn văn hóa phi vật thể truyền thống vô cùng quý giá với những lễ hội tâm linh cùng nhiều trò chơi - trò diễn và dân ca - dân vũ đặc sắc. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Nhân dân trong vùng và du khách thập phương lại nô nức trảy hội Đền Phúc, dâng hương cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu cho quốc thái, dân an và để chiêm ngưỡng nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc như:

- Tế lễ bốn chầu đại đình bằng 4 cỗ lớn vào ngày 18 tháng Chạp và mùng ngày 6-7-8 Tết;

- Lễ tế Nữ quan cờ người vào ngày mùng 2 Tết;

- Hội đánh cờ người vào ngày mùng 2 và mùng 5 Tết;

- Lễ Dân Mã và thi bơi chèo chải trên sông Yên (nơi cửa sông chảy ra biển) vào ngày mùng 2 và mùng 5 Tết;

- Trình diễn tích trò "Trống trận Quang Trung và múa võ Tây Sơn" vào mùng 5 Tết;

- Hội nấu cơm thi vào ngày mùng 6 Tết;

- Hội hát Trống quân và hát Giao duyên cửa đình vào ngày mùng 6 Tết;

- Lễ cầu ngư vào ngày 12 Tết;

- Lễ cầu siêu các anh hùng Liệt sỹ vào tối rằm tháng Giêng (đây là nội dung mới được bổ sung gần đây và được Nhân dân rất đồng tình ủng hộ).

Lễ tế Nữ quan đánh cờ vào sáng mùng 2 Tết tại Đền Phúc và Bia Tây Sơn

Trong nhiều hoạt động lễ hội như trên thì độc đáo nhất vẫn là lễ tế Nữ quan đánh ván cờ người đầu xuân và lễ xuống nước khai cuộc thi bơi chèo chải vào sáng ngày mùng 2 Tết. Về Tế nữ quan đánh cờ: có 32 quân cờ bằng người thật là những gái, trai thanh tân 15-18 tuổi cầm quân cờ, lễ tế rộn ràng lung linh như thần tiên dáng thế, quân cờ di chuyển huyền ảo như rồng chầu phượng múa, làm mê li du khách xa gần. Trong khi đó, ở ngoài bến sông rộn ràng tiếng trống, tiếng tù và, tiếng loa và tỏa rợp bóng cờ với vô số du khách trên bờ sông để tham dự khai cuộc và cổ vũ cho các đội đua chèo chải trên sông Yên. Cuộc thi bơi chèo chải sẽ được thi đấu chung cuộc để xác định thứ bậc cao thấp vào sáng ngày mùng 5 Tết. Lễ hội chèo chải Đền Phúc và  Bia Tây Sơn mang đậm nét văn hóa truyền thống của cư dân vùng sông biển vừa có tính nhân văn sâu sắc.

Khai mạc Lễ hội Đền Phúc và Bia Tây Sơn được tổ chức thường niên vào sáng mùng 2 Tết

Lễ hội Đền Phúc và Bia Tây Sơn hết sức phong phú và rộn rã, có những nghi thức và hoạt động khá độc đáo mà không thấy có ở nơi khác. Từ xa xưa dân gian trong vùng đã truyền rằng:

"Năm lũ cũng trảy kẻ Mom

Mười lũ cũng trảy kẻ Mom

Đâu hơn hội mở tết xuân

Dưới sông chèo chải, đền sân cờ người".

Di tích Đền Phúc và Bia Tây Sơn đã  được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003. Do phải trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự thăng trầm theo thời gian, quần thể di tích không còn nguyên như cũ, nhưng nền đất và dấu tích vẫn hiện diện, nhất là hình bóng và những ký ức về di tích vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân. Tấm bia đá Tây Sơn quý giá bao năm bị lấp vùi dưới bùn đất nhờ được sự gìn giữ của người dân mà nay đã được trân trọng tọa lạc nơi tôn nghiêm, thành kính. Được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành; sự nhiệt tâm của Nhân dân xã Quảng Nham và du khách hảo tâm xa gần mà đền Phúc đã và đang từng bước được phục dựng, trùng tu, tôn tạo. Dù chưa được hoàn thiện, bề thế như xưa nhưng cũng đã đủ là nơi hương khói, phụng thờ, tâm linh cho người dân và du khách. Đặc biệt là chính quyền các cấp trong huyện và Nhân dân Quảng Nham đã tổ chức khôi phục thành công và phát huy giá trị của nhiều vốn văn hóa phi vật thể truyền thống quý báu như: các nghi thức tế lễ tâm linh; lễ tế Nữ quan đánh cờ; lễ hội thi bơi chèo chải; tích diễn "Trống trận Quang Trung và múa võ Tây Sơn"...

Lễ hội thi bơi chèo chải vào ngày mùng 2 và mùng 5 Tết

Hiện nay, huyện Quảng Xương đã và đang có chủ trương chỉ đạo cùng với chính quyền và Nhân dân xã Quảng Nham tiếp tục đầu tư và huy động nhiều nguồn lực xã hội để nhanh chóng tôn tạo, hoàn thiện và phát huy giá trị khu quần thể di tích, góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển đa dạng các hoạt động du lịch ở khu vực này như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... Có thể nói: di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Phúc và Bia Tây Sơn (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) đã, đang và sẽ là một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh cho du khách thập phương trong nước cũng như du khách nước ngoài.

Công Sáu