Nông dân huyện Quảng Xương tích cực phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa năm 2022

Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa mùa đang trong giai trổ bông và chín sáp. Do đó, cùng với việc chăm sóc, bà con nông dân trên địa bàn huyện cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

       

Nông dân các địa phương tăng cường các biện pháp phòng

trừ sâu bệnh hại lúa để bảo vệ năng suất cuối vụ

     Vụ mùa năm nay, huyện ta gieo cấy được 6.600 ha diện tích. Những ngày vừa qua, do thời tiết diễn biến bất thường, nắng, mưa xen kẽ đã tạo thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại, phân bố rải rác trên các trà lúa của các xã, thị trấn, với tỷ lệ gây hại từ trung bình đến cục bộ, như: Rầy lứa 6 đã nở và gây hại với mật độ trung bình từ 300con/m2 - 500 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2, nơi cục bộ ổ cao 4.000 con/m2. Sâu đục thân 2 chấm lứa 5 đỉnh 1 đã ra rộ gây hại với tỷ lệ phổ biến từ 2% đến 4%, nơi cao 10%; đỉnh 2 lứa 4 ra rộ từ 28/08 đến ngày 02/09 và dự kiến sâu non đỉnh 2 lứa 5 ra rộ từ 02/09 trở đi. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 2% đến 4%, nơi cao 20%. Bệnh đạo ôn cổ bông, gây hại nhẹ, cục bộ, tỷ lệ phổ biến từ 1% đến 2% , nơi cao 4%. Bệnh nhện gié gây hại nhẹ trên diện tích lúa thường xuyên bị khô hạn, gieo sạ dày, bón thừa đạm, với tỷ lệ hại phổ biến từ 3% đến 5% , nơi cao từ 10% đến 15% . Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh cuối vụ gây ra, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đang tích cực thăm đồng phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ nhiễm bệnh ở từng giống lúa, thông báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời, hiệu quả, sử dụng các loại thuốc đặc trị khi đến ngưỡng cần phun, như khi mật độ rầy từ 750 con/m2 trở lên cần tiến hành phun phòng trừ bằng bộ thuốc: Chatot 600WG, Chess 50 WG , L-Ksetup 75WP, Florid 70WP… Đối với sâu đục thân, các diện tích trổ sau ngày 02/9 nhất thiết phải phun trừ bằng một trong các loại thuốc, như: Voliam targo 063SC, Virtako 40WP, Prevathon 5SC, Bạch Hổ 150SC, ...Bệnh đạo ôn cổ bông, cần sử dụng một số loại thuốc có hiệu quả cao như: Filia 525SE, Ninja 35EC, Nativo 750WG, Beam 75WP, Bump 650WP, Newtec 300SC..., phun trước trỗ 3 đến 5 ngày, phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 10 đến12 ngày. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sử dụng một số loại thuốc, như: Totan 200WP, Xantocin 40WP, Ychatot 900SP,  Starner 20WP,  Lobo8WP ..., thời điểm phun tốt nhất là sau các đợt mưa, giông…Đối với bệnh khô vằn và lem lép hạt, cần phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Nevo 330EC, Help 400SC,  Nativo 750WG, Tilt super 300EC, Amistar top 325SC,  Paramax 400SC,... Đặc biệt, để phòng trừ bệnh nhện gié hiệu quả, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, vào thời kỳ lúa trước trổ từ 3 đến 5 ngày, thấy tỷ lệ nhiễm bệnh từ  2% đến 3% số dảnh bị hại thì cần phun trừ bằng bộ thuốc hóa học: Kinalux 25EC; Ortus 5SC, Obamax 25EC, Voliam tango 063SC, Comite 73EC, Bạch Hổ 150SC,...

          Dự báo, từ nay đến cuối vụ, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo các địa phương không chủ quan, lơ là, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên cây lúa, để thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo cho cây lúa trổ bông, đạt tỷ lệ hạt chắc cao, góp phần đem lại một vu mùa bội thu.

Nguyễn Liên (Trung tâm VH,TT,TT&DL)