Huyện Quảng Xương phát triển vùng rau màu tập trung, an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, thời gian qua huyện Quảng Xương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển vùng sản xuất rau tập trung, an toàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện theo hướng bền vững.

Nông dân xã Quảng Lộc chăm sóc rau màu vụ hè thu

Hiện nay, huyện Quảng Xương có khoảng 600 ha diện tích đất trồng rau màu các loại, tập trung nhiều ở các xã, như: Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Yên, Quảng Chính…Những năm qua, nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, huyện đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Đầu tư có trọng điểm các vùng trồng rau truyền thống, có điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, kênh tưới tiêu, để sản xuất rau an toàn, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, nhằm nhân ra diện rộng. Đồng thời, triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, từ đó hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn; tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân phát triển vùng rau màu theo tiêu chuẩn VietGap đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; chỉ đạo các HTX trên địa bàn quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, làm đất, làm bầu ươm cây con, phòng trừ sâu bệnh và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng, nhằm mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã hình thành được vùng sản xuất rau tập trung, an toàn với diện tích trên 80 ha, trong đó có gần 40 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tập trung tại các xã: Quảng Yên, Quảng Lưu, Quảng Lộc và 40.000m2 sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng công nghệ cao tại các xã: Quảng Hợp, thị trấn Tân Phong, Quảng Chính, Quảng Lộc, Quảng Lưu. Theo tính toán của bà con nông dân, sản xuất rau áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cho năng suất cao hơn phương pháp truyền thống, sản lượng ước đạt 160 tạ/ vụ/ ha.

Đến nay, toàn huyện có khoảng 600 ha diện tích chuyên trồng rau màu các loại

Là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất rau màu tương đối lớn, với diện tích gần 90ha, chuyên luân canh, gối vụ các loại rau màu, như: Cà chua, bắp cải, dưa leo, mướp đắng, rau cải…Để việc trồng rau của bà con mang lại hiệu quả cao, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, xã Quảng Lộc đã vận động và hỗ trợ nông dân nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống tưới tiêu; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thiết bị máy móc, công nghệ mới vào sản xuất và xây dựng, phát triển các mô hình, vùng trồng rau tập trung, an toàn. Nhờ vậy, đã tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, toàn xã đã hình thành được 6 ha trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, với 124 hộ dân tham gia, sản xuất đa dạng nhiều loại rau màu theo nhu cầu thị trường. Giá trị, ước đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/vụ, tùy vào từng loại rau. Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap cho thu nhập cao hợn so với phương thức truyền thống nên niện nay, xã Quảng Lộc đang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, hướng dẫn nông dân mở rộng thêm 3 ha diện tích vùng trồng rau tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, để từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất của bà con nông dân.

Thời gian tới, để nhân rộng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng bền vững, huyện chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ người dân tổ chức lại sản xuất; liên kết chặt chẽ với các đơn vị bao tiêu sản phẩm để có phương án, kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Khuyến khích các hộ dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau trong nhà màng, nhà kính, trồng rau trên giá thể, thủy canh; hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, để hình thành các vùng chuyên sản xuất rau tập trung, an toàn, trồng quanh năm theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm của người nông dân.

Nguyễn Liên (Trung tâm VH,TT,TT&DL)