Bánh nhãn Lâm Phương - sản phẩm OCOP của quê hương Quảng Xương
Chứng nhận ocop sản phẩm bánh nhãn Lâm Phương
Bánh Nhãn đã được nhiều người biết đến như một món ăn, món quà vô cùng ý nghĩa. Bánh có tên là bánh nhãn, do dân gian đặt, chứ không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ bởi những chiếc bánh này giống hệt như quả nhãn. Với những nguyên liệu mang hương vị riêng của vùng quê Quảng Xương như lúa nếp cái hoa vàng hoặc lúa nếp hương và một số bí quyết nhỏ đã làm bánh nhãn trở lên ngon hơn so với các vùng quê khác. Sản phẩm Bánh Nhãn Lâm Phương đã có từ rất lâu được chuyền lại từ đời cha đến đến con, cứ như thế được lưu giữ và phát triển đến bây giờ. Sản phẩm Bánh nhãn Lâm Phương được công nhân là sản phẩm OCOP 3 sao theo quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 của UBND huyện Quảng Xương.
Bánh Nhãn Lâm Phương
Có thể nói hiện nay có rất nhiều loại bánh nhãn trên thị trường, tuy nhiên sản phẩm Bánh nhãn Lâm Phương thôn Đa Phú, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng. Đó là sự thơm ngon được kết tinh từ những sản phẩm của đồng quê. Bánh nhãn được dùng cho mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi.
Anh Phùng Văn Lâm chủ cơ sở sản xuất bánh nhãn Lâm Phương cho biết: Để có được mẻ bánh thơm ngon nhất định phải chọn gạo từ giống lúa nếp cái hoa vàng hoặc lúa nếp hương và được trồng trên những chân đất màu mỡ, phì nhiêu với sự chăm chút nâng niu cẩn thận của những người nông dân. Nếu lúa nếp là nguyên liệu chính thì trứng gà và đường cũng là nguyên liệu quan trọng tạo nên hương vị thơm ngon. Trứng gà phải chọn quả to, trứng mới kết hợp với đường trắng tinh khiết qua bàn tay nhào nặn của người làm bánh được chiên qua dầu ăn đảm bảo chất lượng sẽ cho ra mẻ bánh nhãn thơm ngon Lâm Phương. Công đoạn nhào bột và chiên bánh vô cùng quan trọng cần sự tỉ mỉ của người làm nghề mới cho ra mẻ bánh thơm ngon, giòn.
Quy trình sản xuất gồm các bước như:
Bước 1: Trộn bột và nặn bánh
+ Đập trứng vào bát, đánh tan. Cho bột nếp và đường trộn đều cùng trứng (Lưu ý: Nên rây bột cho mịn thì khi rán bánh sẽ ít bị phồng nổ hơn).
+ Sau khi trộn xong tạo hỗn hợp bột dẻo mịn, không dính tay. Nếu bột khô và bở (không mịn dẻo) thì cho thêm từng chút nước và trộn. Nếu bột ướt (nhão) quá thì cho thêm bột nếp.
+ Lấy từng phần bột nhỏ, nặn thành viên tròn. Lưu ý là khi rán bột sẽ nở gấp 3 – 4 lần vì thế khi nặn bột không cần quá to (cỡ đầu ngón tay cái) là được. Viên bột nhỏ rán cũng sẽ nhanh chín và giòn lâu hơn.
Bước 2: Rán bánh:
+ Dùng chảo nhỏ và sâu lòng, đun nóng một lượng dầu ăn đủ để ngập mặt bánh. Để lửa vừa, khi dầu hơi nóng thì thả từng viên bột vào. Dùng đũa đảo đều và nhẹ tay, bánh sẽ nở dần dần.
+ Rán đến khi bánh nở to và vàng đều. Ăn thử thấy bánh giòn tan (phần ruột bánh không còn ướt hay mềm dẻo) là được. Vớt bánh ra và để lên giấy thấm dầu, chờ cho bánh nguội hoàn toàn. Trong quá trình rán vẫn để lửa vừa, đảo đều, không vội vã muốn bánh nhanh chín mà để lửa to, bột sẽ không chín đều và bánh sẽ không giòn.
+ Bánh cỡ nhỏ thì rán chừng 15 – 20 phút để bánh chín đều từ ngoài vào trong. Bạn có thể rán khoảng 10 – 15 phút, sau đó để nguội và ăn thử. Nếu bột bánh vẫn ướt thì rán thêm 5-7 phút nữa.
Bước 3: Bọc đường
+ Cho đường và nước vào nồi, vừa đun vừa khuấy cho đến khi đường tan hết nhưng vẫn còn màu trắng thì cho bánh vào. Nhanh tay đảo đều rồi bắc nồi ra khỏi bếp. Tiếp tục đảo đến khi lớp đường bên ngoài khô lại.
+ Khi bánh nguội thì thưởng thức (bánh phải thật nguội thì ăn mới giòn). Cho vào hũ có nắp đậy và bảo quản 2 – 3 tuần ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời.
Trong những năm tới Bánh nhãn Lâm Phương với mục tiêu quảng bá sản phẩm của quê hương, hướng tới sự an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm cam kết không sử dụng chất tạo màu, chất bảo quản hay bất kỳ thành phần hóa học nào, mang lại sự yên tâm cho người sử dụng. Sản phẩm đã có mặt trên thị trường hơn 10 năm nay, đã và đang được rất nhiều người trong và ngoài địa phương tin tưởng sử dụng. Đây là thành quả của quá trình lao động miệt mài, tận tâm, nghiêm túc. Sản phẩm sẽ góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của quê hương.
Thân Thị Thùy