Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương tổ chức phiên họp thường kỳ quý III - 2023
Chiều ngày 17/10/2023, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tổ chức phiên họp thường kỳ quý III, triển khai nhiệm quý IV năm 2023. Đồng chí Nguyễn Huy Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh phiên họp quý III năm 2023
Với tinh thần bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chỉ đạo hoạt động của Ban đại diện HĐQT tỉnh, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã tích cực hoạt động và chỉ đạo các thành viên và Ngân hàng CSXH thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ tiêu được giao quý III năm 2023; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện phối hợp với các xã, thị trấn, Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm và công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện, giúp tháo gỡ một phần khó khăn của đối tượng thụ hưởng về phát triển kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Tập trung rà soát, triển khai các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt thực hiện tốt công tác hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các món vay có lãi suất trên 6%/năm, tránh việc trục lợi chính sách.
Bà Nguyễn Thị Thùy - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương báo cáo kết quả hoạt động trong quý III
Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 585 tỷ đồng, tăng 60,6 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 11,5%, trong đó: Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện là 151 tỷ đồng, tăng 2,2 tỷ đồng so với đầu năm,chiếm 25,9% tổng nguồn vốn;
Tổng dư nợ đạt 580,4 tỷ đồng, tăng 55,5 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 10,6% hoàn thành 99,1% chỉ tiêu được giao với 12 chương trình tín dụng đang thực hiện cho vay trên địa bàn. Dư nợ bình quân đạt 47,6 triệu đồng/hộ (12.307 hộ) tăng 4,6 triệu đồng so đầu năm (trong đó tăng trưởng tín dụng 03 chương trình hộ nghèo,cận nghèo, mới thoát nghèo là 24.530 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao). Một số chương trình tăng cao trong năm: cho vay hộ mới thoát nghèo 153,7 tỷ đồng (tăng 54,3 tỷ đồng), nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 143,3 tỷ đồng (tăng 6,9 tỷ đồng); cho vay giải quyết việc làm dư nợ 60,3 tỷ đồng (tăng 10,8 tỷ đồng); cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP 22 tỷ đồng (tăng 9 tỷ đồng), cho vay HSSV 13,8 tỷ đồng (tăng 4,5 tỷ đồng); Bên cạnh đó, chương trình giảm dư nợ so đầu năm: cho vay hộ cận nghèo 165,4 tỷ đồng (giảm 29,73 tỷ đồng); cho vay nhà ở 167 là 186 triệu đồng (giảm 88 triệu đồng)...
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận đánh giá về các vấn đề liên quan đến ủy thác cho vay đối với các tổ chức hội, hiệu quả vốn vay các chương trình; xử lý nợ đọng, nợ quá hạn; giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong các Chương trình cho vay, tín dụng chính sách; công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay …
Đồng chí Nguyễn Huy Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Huy Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện ghi nhận và đánh giá về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại huyện trong quý 3 năm 2023. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp 3 tháng cuối năm, đồng chí đề nghị Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chỉ đạo tại Chỉ thị 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ; Tập trung giải ngân các chương trình tín dụng; Bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, MTTQ các cấp, tổ chức CT-XH các cấp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quyết liệt xử lý các trường hợp khách hàng cố tình chây ỳ hoặc bỏ đi khỏi địa phương.
Hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023; dư nợ đến 31/12/2023 các chương trình tín dụng đạt 615 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 16% so với đầu năm đặc biệt tuyên truyền, rà soát cho vay nhà ở xã hội theo NĐ 100, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; triển khai thực hiện tốt chương trình vay vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động; phấn đấu giảm dần tỷ lệ nợ quá hạn; Tỷ lệ thu lãi, thu tiền gửi đạt 100%. Thường xuyên đôn đốc các tổ chức Hội nhận ủy thác thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch đã xây dựng, thực hiện đầy đủ các nội dung theo văn bản liên tịch, hợp đồng đã ký với NHCSXH; nâng cao chất lượng kiểm tra để chấn chỉnh các tồn tại trong hoạt động ủy thác. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; trình độ, tác phong làm việc của cán bộ ngân hàng, năng lực quản lý vốn của các Tổ chức chính trị xã hội và Tổ TK&VV; Tổ chức thực hiện tốt các điểm giao dịch xã và công tác tổ chức phiên giao dịch tại xã để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đặc biệt là nâng cao chất lượng các tiêu chí theo nội dung công văn số 18/NHCS-KHTD ngày 16/01/2023 của Giám đốc Chi nhánh về việc xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch xã. Đối với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, chỉ đạo thành viên Ban giảm nghèo, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng... Góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương./.
Hồng Nhung