Bệnh Thán thư trên cây ớt và cách phòng trừ
.jpg)
Bệnh thán thư trên quả ớt
Bệnh thán thư gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ớt như thân, lá và trái. Tuy nhiên, bệnh thường phát triển mạnh và gây hại nặng trên trái nên được gọi là bệnh thối trái, đốm trái hay nổ trái ớt. Đây là bệnh gây hại nghiêm trọng xuất hiện tại nhiều vùng trồng ớt ở nước ta, để quản lý bệnh tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng cho cây ớt Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương hướng dẫn cách nhận biết và một số biện pháp phòng trừ bệnh thán thư trên cây ớt như sau:
Nguyên nhân: Bệnh do nấm Colletotrichum Spp gây ra.
Triệu chứng:
Khi bệnh mới phát sinh, vết bệnh là những đốm nhỏ, hơi lõm xuống trên trái, thường hơi ướt. Sau vài ngày vết bệnh lớn dần, có dạng hình tròn hoặc bầu dục. Khi các vết bệnh liên kết lại với nhau sẽ làm cho trái bị thối, vỏ khô, rồi chuyển sang màu nâu xám hay xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm và có những chấm nhỏ li ti màu đen, làm cho trái teo lại, có thể bị rụng.
Nấm có thể gây hại trên lá, đôi khi cả ở thân. Trong một số trường hợp khác bệnh có thể phát triển như một đốm màu hơi đỏ tía hoặc nâu là không có sự hình thành vết bệnh rõ ràng. Thân và cuống lá có thể bị bay vỏ. Chồi bị hại có màu nâu đen. Cụm hoa bị tàn lụi và chết đen khi bệnh phát triển mạnh, làm cho cây bị chết dần hoặc cây còi cọc, chậm phát triển. Trên cây nhiễm bệnh trái thường ít, chất lượng trái kém.
Triệu chứng thối quả, rụng trái có thể do nguyên nhân thiếu canxi trên cây ớt bà con cần lưu ý như: lá non mới mọc thường có kích thước nhỏ, biến dạng và chuyển màu vàng; đối với lá trưởng thành thì mép lá và phần thịt giữa gân lá có màu vàng; chồi hoa và ngọn thường bị chết, ngọn lá ngừng sinh trưởng hoàn toàn; trái thường bị thối đít hoặc chuyển thành màu nâu, bị teo tóp ở phần đuôi, vàng và sẽ rụng.
.jpg)
Bệnh thối đuôi trái ớt do thiếu canxi
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Nguồn bệnh là sợi nấm và bào tử tồn tại trên hạt giống hoặc tàn dư của cây bệnh. Bệnh thâm nhập vào đồng ruộng từ việc trồng các cây bị nhiễm bệnh hoặc bệnh lan truyền từ vụ này qua vụ khác do tàn dư cây bệnh trên ruộng hoặc trên cỏ dại và các ký chủ phụ khác như cây cà chua, cây khoai tây... Bào tử nấm phát tán theo gió, côn trùng, nước mưa và nước tưới trên ruộng (đặc biệt là kiểu tưới rãnh) hoặc lan truyền từ dụng cụ làm ruộng. Bệnh phát sinh phát triển theo điều kiện thời tiết ấm, ẩm ướt. Đặc biệt, ở những chân ruộng ớt mất cân đối dinh dưỡng, trũng thấp, thoát nước kém, bón nhiều đạm bệnh sẽ phát sinh phát triển và gây hại nặng.
Trước đây, bệnh thán thư ớt chủ yếu gây hại trong mùa mưa và khi trái đã già chín teo đi. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh đang có chiều hướng phát sinh và gây hại sớm hơn ngay cả khi trái còn non bị rụng do trồng ớt liên tục trong nhiều năm. Bệnh có thể gây hại nặng ngay cả trong mùa khô nếu gặp điều kiện độ ẩm cao (do sương mù nhiều hay tưới nước nhiều).
Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác:
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom trái và tàn dư cây trồng bị bệnh rồi tiêu hủy; chọn giống chống chịu bệnh tốt, giống xác nhận, không lấy hạt từ ruộng bị bệnh làm giống; trồng ớt với mật độ hợp lý, không trồng quá dày, ruộng thông thoáng khô ráo; thường xuyên tỉa cành cho cây; luân canh cây trồng khác cây họ cà trong 2-3 năm; bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, tăng cường bón phân chuồng hoai mục trộn thêm chế phẩm sinh học có chứa nấm đối kháng Trichoderma cho ruộng ớt.
.jpg)
Vùng trồng ớt tại thôn Lộc xá xã Quảng Long, huyện Quảng Xương
Nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu canxi cho cây ớt giai đoạn nuôi trái bà con nên dùng các loại phân canxi bón qua lá như Canxi Bo, siêu Canxi; hoặc bón bổ sung phân bón gốc chứa canxi, bón lót 2-2,5 kg phân Calcium Nitrate/sào (500m2) cho ruộng ớt và bón thúc thêm 2-2,5kg phân Calcium Nitrate/sào (500m2) trước khi ớt ra hoa cũng góp phần quan trọng hạn chế bệnh thán thư và bệnh thối trái ớt.
Biện pháp hóa học:
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện bệnh sớm phòng trừ kịp thời. Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng các hoạt chất như Chlorothalonil, Azoxystrobin, Metalaxyl, Propineb, Cytosinpeptidemycin 4%... trong một số thuốc như Ortiva 600SC, Daconil 75WP, MAP Greeen 6SL, SAT 4SL, Envio 250SC, Antracol 70WP, Amistartop 325SC...
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh trên cây ớt, bà con cần chọn đúng loại thuốc, phun thuốc khi thật cần thiết và phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng thời điểm và đúng cách). Nếu ruộng ớt bị bệnh nặng cần tiến hành phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm lá và thân; phun vào lúc chiều mát, tránh ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây ớt./.
Đàm Thuý