Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương.
.jpg)
Gia đình ông Đào Văn Hoàng ở thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương được vay vốn chính sách phát triển kinh tế hiệu quả.
Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Xương, nhiều người dân trong địa bàn huyện đã có thêm nhiều cơ hội đầu tư để thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Sau nhiều năm tìm tòi, khởi nghiệp không thành, mới đây anh Đào Văn Hoàng (33 tuổi) ở thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã được Ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ nguồn vốn vay, gia đình anh đã đầu tư làm mô hình trồng Nấm linh chi hoàng hậu. Thành quả đạt được không ngờ, sau 2 vụ anh thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Hoàng nhớ lại: Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh không có công việc làm ổn định tại các thành phố lớn. "Đầu năm 2018, anh Hoàng đã từng vào Nam ra Bắc bắt đầu tìm hiểu về cách để nuôi cấy mô trồng các loại nấm và được các chủ trang trại trồng nấm chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất Nấm linh chi hoàng hậu. Lúc đầu cũng khá lo lắng vì kiến thức không có, vốn ít, lao động thiếu... nên chỉ sợ thất bại, mất vốn". Tuy nhiên với sự quyết tâm, mạnh dạn của mình, cùng số vốn tự có và nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội được 90 triệu đồng, anh Hoàng đã đầu tư làm 7 khu nhà trồng nấm có diện tích gần 1.000m2, anh mua sắm máy móc thiết bị trồng Nấm linh chi hoàng hậu, mua phân bón, giống... May mắn đã mỉm cười, mô hình Nâm linh chi hoàng hậu của gia đình anh Hoàng phát triển rất tốt, trung bình mỗi vụ anh thu được từ 1-1,2 tấn, nếu tính giá nấm trung bình khoảng 550 nghìn đồng/1kg thì anh cũng thu về khoảng 550 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng/1 vụ. Một năm trồng được 2 vụ, như vậy với gần 1.000m2 nấm anh thu được khoảng 150- 200 triệu đồng tiền lãi. Sau 2 vụ nấm, gia đình anh đã dần hết nợ, và mong muốn được vay thêm vốn để mở rộng diện tích trồng nấm.
.JPG)
Mô hình trồng Nấm linh chi hoàng hậu trong nhà của a Hoàng không chỉ mang về hàng trăm triệu đồng một năm mà còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ
Ông Nguyễn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lộc, đơn vị nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách huyện Quảng Xương cho biết: Mô hình trồng Nấm linh chi hoàng hậu đã góp phần khẳng định sự ưu việt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời góp phần tạo nên các sản phẩm OCOP của huyện. Đặc biệt góp phần tạo việc làm cho các lao động của địa phương, với thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/ lao động/tháng.
Ông Nguyễn Duy Thủy - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương cho biết: hiện tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đang thực hiện cho vay vốn tạo việc làm theo Nghị định 74 của Chính phủ. Đến nay, tổng dư nợ là 90 tỷ với 1.213 khách hàng. Phòng giao dịch tập trung cho vay vốn ở các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và các sản phẩn OCOP. Trong đó, có mô hình Nấm linh chi hoàng hậu trồng trong nhà lợp tấm fibro xi mang; mô hình trồng cói dệt chiếu làm đồ thủ công mỹ nghệ; trồng rau củ quả sạch trong nhà lưới; mô hình trồng đào… Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng dùng nguồn vốn để cho vay sản xuất chăn nuôi thủy, hải sản như: Nuôi cá, nuôi tôm và khai thác đánh bắt thủy hải sản biển; phát triển làng nghề truyền thống như: Làng nghề sản xuất nước mắm, sản xuất chiếu cói... Hiện tại tất cả dự án Ngân hàng cho vay phát huy kết quả tốt. Nguồn vốn đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người vay, đồng thời còn tạo thêm được nhiều việc làm mới cho lao động địa phương.
Có thể nói, thời gian qua do tác động của hậu quả sau dịch Covid-19, xung đột chính trị vũ trang trên toàn thế giới, lao động thất nghiệp mất việc làm ở thành phố tăng lên… Điều này khiến cho nhiều lao động quay trở lại quê hương sản xuất, chăn nuôi. Nắm bắt được điều này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập trung nguồn lực để hỗ trợ lao động vay vốn giải quyết việc làm. Với nhiều người dân, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa vững chắc, và là động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, với nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng lớn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương mong muốn được tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện./.
Hồng Nhung