Nông dân xã Quảng Phúc tích cực ra đồng thu hoạch cói
.jpg)
Nông dân xã Quảng Phúc tích cực ra đồng thu hoạch cói vụ thu mùa
Vụ cói thu mùa năm nay của xã Quảng Phúc bắt đầu diễn ra từ tháng 9 dương lịch, những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân xã Quảng Phúc đang tích cực ra đồng thu hoạch cói vụ thu mùa để phơi cho được nắng và kịp tiến độ chăm sóc cho vụ cói tiếp theo.
Hiện nay, xã Quảng Phúc có 350 ha diện tích trồng cói, sản lượng ước đạt trên 5.000 tấn cói/năm. Thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân xã Quảng Phúc tập trung huy động mọi nguồn lực tích cực ra đồng thu hoạch cói để phơi cho được nắng. Theo bà con nông dân, trồng cói tuy có thu nhập cao hơn trồng lúa, nhưng vất vả, nhất là thời điểm thu hoạch, thông thường một ngày khoảng 4 người mới làm xong 1 sào. Để tạo nên sợi cói mềm, dai, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, cói sau khi cắt sẽ được gom thành từng bó, rồi giũ, nhặt sạch cỏ, rác, sợi hỏng. Sau đó chẻ thành sợi nhỏ, đem phơi, rồi tiếp tục giũ. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất vì mất nhiều thời gian và công sức, bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Ông Lại Văn Kiên, thôn Liên Sơn, xã Quảng Phúc chia sẻ: “Nhà tôi trồng hơn 1 ha cói, vào thời điểm chính vụ, tôi phải thuê thêm nhân công đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, cũng như tranh thủ thời tiết đang được nắng để kịp thời phơi cói bán cho thương lái. Sau khi trừ chi phí, vụ cói năm nay dự kiến cho gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Cây cói từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống cho gia đình chúng tôi và bà con trong xã.
Mỗi năm cói được thu hoạch 2 lần, vụ xuân bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 và vụ hè thu từ tháng 9 đến tháng 11. Đến thời điểm này, nông dân xã Quảng Phúc đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích cói vụ thu mùa. Giá cói năm nay bán thấp hơn khoảng 30% so với năm ngoái nên cũng đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân; cói sau khi phơi khô, được thương lái từ các nơi về thu mua với giá 1,2 triệu đồng/ tạ và tùy từng loại có giá khác nhau. Như vậy, 1 sào cói cho thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân không phải trồng lại cây cói mà chỉ tiến hành làm sạch cỏ, bón phân, đạm và chăm sóc thì cây cói non sẽ mọc trở lại và cho vụ tiếp theo.
.JPG)
Đến nay, xã Quảng Phúc đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích cói vụ thu mùa
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều hộ nông dân xã Quảng Phúc đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu. Đến nay, toàn xã có 220 máy dệt chiếu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1 nghìn lao động địa phương. Xác định duy trì và mở rộng diện tích trồng cói có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ nghề dệt chiếu cói truyền thống của địa phương nên xã đang tích cực vận động bà con nông dân có diện tích trồng cói tham gia hợp tác xã, cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thâm canh, để hướng đến xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; thực hiện các chính sách phát triển vùng cói như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nội đồng vùng cói để tạo thuận lợi cho người dân dân yên tâm sản xuất, phôi phục và mở rộng diện tích trồng cói, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Nguyễn Liên - Trung tâm VH, TT, TT và DL