Kỹ Thuật Trồng Lạc (Đậu Phộng)

Bệnh lở cổ rễ trên lạc

Lạc là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Cây lạc còn là cây trồng tăng vụ cải tạo đất rất tốt. Để giúp bà con nông dân trồng lạc đạt hiệu quả cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lạc như sau:

1. Kỹ thuật trồng lạc: 

* Lượng giống: Tùy thuộc vào tỷ lệ nảy mầm, mùa vụ gieo, phương pháp gieo (có che phủ nilon hay không) và giống lạc mà cần lượng giống khác nhau. Nếu hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 85% và giống lấy từ lạc xuân thì lượng hạt giống là 220-250kg/ha; còn nếu giống lấy từ vụ Hè Thu hoặc Thu Đông thì lượng giống là 170-200kg.

* Mật độ, khoảng cách: Mật độ trung bình từ 33-35 cây/m2, hàng cách hàng  25-30cm, cây cách cây 10-15cm nếu gieo 1 hạt/hốc, nếu gieo 2 hạt/hốc thì cây cách cây 18-20cm.

* Thời vụ:

Vụ Xuân gieo từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2. 

Vụ Hè Thu: Gieo trong tháng 6.

Vụ Thu Đông: Gieo từ 15/8 -15/9.

* Kỹ thuật làm đất và lên luống:

Yêu cầu làm đất phải tơi xốp, làm sạch cỏ dại, sau đó tiến hành lên luống. Lên luống rộng 1,0 -1,5m, luống cao 25-30cm, trên đất bãi thoát nước có thể trồng theo băng, mỗi băng rộng 5-6m rạch hàng theo chiều dọc hoặc chiều ngang luống.

Chú ý: Giống cao cây, thân lá phát triển mạnh thì gieo thưa hơn giống thấp cây, thân đứng.

Cánh đồng lạc 30-35 ngày sau gieo tại xã Quảng Giao

2. Kỹ thuật chăm sóc: 

* Phân bón: (Cho 1 sào 500m2)

Lạc yêu cầu bón đủ phân hữu cơ, lân và vôi. Trên đất bạc màu phải bón thêm Kali. Các giống lạc tiến bộ kỹ thuật mới yêu cầu thâm canh cao hơn các giống cũ. 

* Liều lượng:

Phân chuồng: 500 -750kg. Phân được ủ mục, tốt nhất được chuẩn bị trước khi gieo lạc 1 tháng hoặc nếu khan hiếm phân chuồng hoai mục thì dùng phân hữu cơ vi sinh với lượng 75-100kg. Phân lân: 25-35kg. Phân đạm: 4-5kg. Phân kali: 6-8kg. Vôi bột: 25-35kg.

* Cách bón:

- Bón lót:

+ Bón toàn bộ phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ vi sinh), lân, 50% đạm, 50% kali và 50% vôi bột.

+ Bón phân trên mặt luống xong, bừa lấp phân rồi mới rạch hàng gieo lạc hoặc bón phân vào hàng đã rạch cần lấp lớp đất mỏng rồi mới gieo hạt. Tránh để hạt lạc tiếp xúc với phân vì dễ bị thối.

Riêng vôi bột bón khi bừa phẳng vùi vào đất trước khi gieo lạc 10-15 ngày, không bón cùng với bất kỳ loại phân nào.

Nông dân xã Quảng Hải bón phân cho lạc giai đoạn trước khi ra hoa

* Nước:

Gieo hạt trong điều kiện đất phải đủ ẩm, nếu đất khô có thể tưới ruộng trước khi cày hoặc tưới trực tiếp vào rạch trước khi gieo hạt, tuyệt đối không nên tưới nước vào rạch ngay sau khi gieo vì độ ẩm đất cao làm các phân vô cơ tan nhanh sẽ gây ra hiện tượng thối hạt.

Giai đoạn đầu đất còn ẩm đủ cho lạc phát triển, nếu gặp mưa gây úng cần thoát nước sớm trước 24 tiếng. 

Thường sau khi lạc có quả non, thời tiết bắt đầu khô hanh. Lúc này, cấp duy trì độ ẩm đất khoảng 75% bằng cách luân phiên tưới dưỡng 10-15 ngày 1 lần đến trước thu hoạch 10 ngày.

Thời tiết khô hạn, nếu có điều kiện nên tưới cho lạc được càng tốt, đặc biệt ở giai đoạn ra hoa và đâm tia. Không được để lạc ngập úng nước. Có thể tiến hành tưới theo 2 cách sau:

+ Tưới phun đều ruộng lạc, ướt thấm đất.

+ Tháo nước đầy các rãnh, ngập hết mặt luống thì tháo nước ra.

* Vun xới:

- Xới lần 1: Kết hợp làm cỏ

+ Khi cây có 2-3 lá thật (sau mọc 10-12 ngày).

+ Lúc này cần xới phá váng không vun để tạo độ thoáng dưới gốc để cho 2 lá mầm lộ ra, tạo điều kiện cặp cành cấp 1 phát triển tốt. 

- Xới lần 2: Kết hợp làm cỏ, bón phân lần 2

+ Khi cây có 6-7 lá thật (sau gieo 30-35 ngày).

+ Bón hết lượng đạm và kali còn lại, bón trước khi ra hoa. Nên xới sâu 5-6cm giữa hàng, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, để rễ lạc sinh trưởng phát triển tốt, chú ý không vun gốc.

- Xới lần 3: Kết hợp làm cỏ, bón hết lượng vôi còn lại

+ Sau khi lạc ra hoa rộ 7-10 ngày.

+ Xới và kết hợp vun gốc và bón lượng vôi còn lại cho lạc.

3. Phòng trừ sâu bệnh trên lạc:

* Sâu hại:

- Nhóm sâu ăn lá: Trong nhóm này có sâu khoang, sâu xám, sâu cuốn lá, sâu xanh.

Sâu xám chủ yếu gây hại giai đoạn cây con (cắn đứt ngang gốc cây con) làm mất mật độ ban đầu. Các loại sâu khác gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lạc.

Biện pháp phòng trừ:

+ Một độ ít: Bắt thủ công.

+ Một độ nhiều: Nên dùng thuốc hóa học để xử lý. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị chứa thành phần hoạt chất như: Lufenuron, Indoxacar, Emamectin, Chlorantraniliprole, Alpha-Cypermethrin,... có trong một số tên thương phẩm sau: Match 050EC, Sunset 150SC, Angun 5WDG, Virtako 40 WG, Prevathon 5SC,... theo khuyến cáo trên bao bì.

- Nhóm chích hút: Nhóm này chủ yếu là rệp và rầy phá hoại bộ lá.

Biện pháp phòng trừ:

+ Có thể dùng các loại thuốc có chứa thành phần như: Nitenpyram, Pymetrozine, Imidacloprid, Inert Ingedient,... có trong một số tên thuốc sau: LK Setup 75WP, Nissorun 5 EC, comite 73 EC,... để phun phòng trừ.

+ Đối với nhện và bọ trĩ: Có thể dùng confidor 100 SL, Admire 50EC, actara 25 WG,... để phun phòng trừ.

+ Chú ý: Phải luân phiên các loại thuốc.

* Bệnh hại:

- Bệnh lở cổ rễ:

Nguyên nhân: Bệnh phát triển do nấm ở thời kỳ cây con trong điều kiện mưa nhiều, ướt đất, độ ẩm cao.

Biểu hiện: Lạc bị nấm phá hoại ở phần cổ rễ, rễ, gốc phần sát mặt đất.

Biện pháp phòng trừ:

+ Bố trí lạc trên đất cao, thoát nước tốt, bón vôi bột, trời nắng tranh thủ xới xáo làm thoáng đất.

+ Dùng thuốc hóa học có chứa thành phần như Hexaconazole, Azoxystrobin, Difenoconazole, Chlorothalonil,... có trong một số tên thuốc sau: Anvil 5SC, Monceren 250SC, Amistartop 325SC, Daconil 75WP,... Phun trừ khi bệnh mới xuất hiện theo khuyến cáo.

- Bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt:

Nguyên nhân: Bệnh phát triển do nấm gây ra, phát sinh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, trong điều kiện mưa nhiều, độ ẩm cao.

Triệu chứng:

Đối với bệnh đốm nâu, đốm đen: Bệnh gây hại trên lá, thân cành, xuất hiện nhiều vết đốm hoại tử hình bầu dục hoặc hình tròn. Trên một lá có nhiều vết bệnh, các đốm liên kết lại thành vết to, lá vàng và rụng, cây sinh trưởng kém. Bệnh phát sinh ở các lá bên dưới sau lan lên các lá phía trên.

Đối với bệnh gỉ sắt: Xuất hiện ở giai đoạn ra hoa đâm tia, bệnh hại trên các bộ phận lá, cuống lá, thân cành, hoa, tia củ. Ban đầu vết bệnh là những chấm nhỏ, màu vàng gỉ sắt sau phát triển thành ổ nổi, xung quanh vết bệnh có quầng vàng hẹp. Bệnh nặng thì vết bệnh phủ kín mặt dưới lá, những tầng lá phía dưới trở nên nâu vàng và héo. Cây nhiễm bệnh thường cằn cỗi lá rụng sớm.

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác:

Loại bỏ tàn dư cây trồng sau thu hoạch, cày lật đất sớm.

Gieo trồng giống chống chịu bệnh.

Luân canh cây trồng với các loại cây khác họ như mía, ngô, lúa nước.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và phòng trừ bệnh từ sớm.

Biện pháp hóa học:

Thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện bệnh sớm, khi cây lạc bị bệnh gây hại bà con cần sử dụng các loại thuốc BVTV nằm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; phun thuốc trừ bệnh khi bệnh chớm xuất hiện, phun trừ bệnh bằng bộ thuốc BVTV đặc trị nấm chứa hoạt chất như: Hexaconazole, Azoxistrobin, Difeconazole, chlorothalonil, zineb, mancozeb, ... có trong một số tên thương phẩm như: Daconil (500SC, 75WP), Anvil 5SC, Amistartop 325SC,...  nếu bị bệnh nặng cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày.

- Bệnh héo xanh vi khuẩn:

Nguyên nhân: Bệnh này do vi khuẩn gây hại. Thời kỳ gây hại từ khi lạc bắt đầu ra hoa trở về sau. Trong điều kiện lạc phát triển rậm rạp hay trời có mưa nắng xen kẽ, độ ẩm trong đất cao, nhiệt độ không khí ở mức 35°C, bệnh thường xuất hiện và phá hoại.

Triệu chứng: Biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống. Sau đó, các lá già phía gốc tiếp tục héo xanh cụp xuống. Cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ tái xanh, gãy gục và chết.Cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh. Khi cắt một đoạn thân cây bệnh đặt vào trong cốc nước sẽ thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.

Biện pháp phòng trừ:

+ Luân canh cây trồng khác.

+ Vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất.

+ Bón vôi khi cày bừa làm đất.

+ Vùng trũng nên lên luống cao, thoát nước nhanh, thường xuyên xới xáo để đất khô thoáng.

+ Không được dùng phân tươi bón, gieo lạc đúng mật độ, đúng thời vụ, xử lý hạt giống (trong trường hợp thời tiết không thuận lợi), dùng giống kháng bệnh.

+ Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu có chứa thành phần như:  Oxyte tracyline Hydrochloride, Gentamicin Sulfate, Kasugamycin A, Oxolinic acid,... có trong một số tên thương phẩm như: Lobo 8WP, Kasumin 2SL, Kamsu 2SL, Starner 20WP, Diboxylin 8SL,... để phun phòng trừ bệnh.

* Lưu ý: Chủ động phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp: Bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật). Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của chuyên ngành BVTV./.

Đàm Thúy - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện