Sáng ngày 16/11/2023, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Đức Thịnh đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương. Trang Thông tin điện tử huyện Quảng Xương trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo! Các quý vị đại biểu, khách quý!
Thưa các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các quý phụ huynh, cùng toàn thể các em học viên thân mến!
.jpg)
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ
Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương và 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, tôi xin gửi đến các quý vị đại biểu, khách quý, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện lời chào thân ái và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa các quý vị đại biểu; các thầy giáo, cô giáo và các em học viên thân mến!
“Giáo dục bổ túc”, “giáo dục thường xuyên”, “giáo dục nghề nghiệp” hay “giáo dục hướng nghiệp” là những khái niệm không còn xa lạ với hầu hết chúng ta; tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất, đặc điểm và mục tiêu mà loại hình giáo dục này hướng đến. Với tiền thân là các Trường Bổ túc văn hóa, để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập trên phạm vi cả nước, với nhiệm vụ xóa mù chữ cho người trong độ tuổi theo quy định; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực làm việc; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho mọi người; tạo cơ hội cho người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn.
Tại huyện Quảng Xương, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Quảng Xương được thành lập theo Quyết định số 1543/UBTH-UBND ngày 18/11/1993 của Chủ tịch UBND tỉnh, với nhiệm vụ bồi dưỡng chương trình văn hóa cho đội ngũ cán bộ huyện. Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, Trung tâm chính thức được đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương vào ngày 14/11/2017; đánh dấu bước phát triển mới không chỉ của Trung tâm mà còn của ngành giáo dục huyện nhà. Từ đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện là cơ sở giáo dục phục vụ cùng lúc đa dạng các nhu cầu học tập cho học viên: Từ đào tạo trình độ bổ túc trung học phổ thông, đào tạo nghề phổ thông, đến dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS; qua đó, tăng cường năng lực đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, đáp ứng nhu cầu học tập liên tục, học suốt đời của Nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Trải qua 30 năm kể từ ngày đầu thành lập với nhiều thiếu thốn, khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên làm công tác chuyên môn; tuy nhiên, với rất nhiều sự kiên trì, nỗ lực vượt khó của các thế hệ giáo viên và học viên, đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã có bước trưởng thành và phát triển đáng ghi nhận, với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Cùng với đó là sự lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng của đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và vượt chuẩn, nhiệt huyết với nghề và gần 600 học viên đang theo học các chương trình giáo dục thường xuyên, 16 lớp liên kết đào tạo trung cấp nghề. Nhiều tập thể, cá nhân các thầy, cô giáo đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch UBND tỉnh; cùng nhiều giấy khen cấp sở, cấp huyện. Các em học viên tại Trung tâm cũng đạt được nhiều thành tích cao trong rèn luyện và học tập, nổi bật với 01 giải học sinh giỏi cấp Quốc gia môn giải toán trên máy tính Casio và nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh qua các năm; tỷ lệ học viên tốt nghiệp duy trì ở mức cao, với 97,4% học viên tốt nghiệp THPT, 100% học viên tốt nghiệp trung cấp nghề trong năm học 2022 – 2023; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước; đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của mô hình giáo dục nghề, giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân; đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành giáo dục huyện nhà.
Thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích mà các thế hệ thầy và trò tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã đạt được trong 30 năm qua.
Kính thưa các quý vị đại biểu; các thầy giáo, cô giáo và các em học viên!
Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, công nghiệp hóa và số hóa; giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp không còn là cánh cửa hẹp dành cho một bộ phận học viên kém ưu thế mà đã trở thành một xu hướng, một chính sách xã hội trong xã hội hiện đại. Ở hầu hết các quốc gia, giáo dục phải được tiến hành đối với mọi lứa tuổi, từ lúc lọt lòng cho đến lúc kết thúc cuộc sống, không phân biệt học trong nhà trường, học ngoài xã hội hay học tại gia đình, học có mục đích hay học ngẫu nhiên, học theo hệ thống tri thức và kỹ năng hay cần gì học nấy; vì vậy, giáo dục thường xuyên, giáo dục tiếp tục hết sức được coi trọng.
Tổ chức UNESCO đã khẳng định: Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều có tầm quan trọng như nhau đối với sự phát triển tài nguyên con người; đồng thời, đưa ra quan điểm về giáo dục thường xuyên rất phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay ở Việt Nam; theo đó, giáo dục thường xuyên bao gồm tất cả các cơ hội học tập mà mọi người đều mong muốn hoặc cần có sau xoá mù chữ cơ bản và giáo dục tiểu học. Luật Giáo dục 2005 đã nêu rõ vai trò của giáo dục thường xuyên là giúp mọi người vừa học vừa làm, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.
Việc coi giáo dục thường xuyên là một hệ thống thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân cũng được ghi tại Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010”; theo đó, “Xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập được dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông của hai bộ phận cấu thành: Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó giáo dục thường xuyên thực hiện các chương trình học tập nhằm tạo các điều kiện tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu học tập suốt đời, học tập liên tục của mọi người công dân sẽ là một bộ phận có chức năng quan trọng, làm tiền đề để xây dựng xã hội học tập”.
Như vậy, chúng ta cần phải khẳng định rõ, đến thời điểm hiện nay, chủ trương, chính sách, định hướng của Nhà nước ta về phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập đã rất rõ ràng; cùng với đó là sự thay đổi tích cực trong tư tưởng của toàn xã hội về cơ hội mà giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đem lại khi ngày càng có nhiều người, ở nhiều độ tuổi khác nhau quan tâm hơn đến giáo dục hướng nghiệp, cởi mở hơn với giáo dục nghề nghiệp và chú trọng hơn đến giáo dục thường xuyên; ngày càng có nhiều các bạn trẻ lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS và THPT; nhiều cán bộ, người lao động coi trọng và tham gia các chương trình học tập, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ…. Tất cả những điều đó đã, đang và sẽ tiếp tục đem đến nhiều thuận lợi và cơ hội cho hoạt động của mô hình các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nói chung và của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương nói riêng hiện nay là làm thế nào để phát huy, khẳng định được chất lượng và vị thế của mình trong hệ thống giáo dục; để người dân và học viên tin tưởng, ưu tiên lựa chọn khi có nhu cầu học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện hiện nay, khi phải cạnh tranh đầu vào với rất nhiều trường và mô hình giáo dục khác, trong khi nguồn lực đầu tư và biên chế còn hạn chế; mô hình hoạt động cùng lúc dưới sự quản lý của 03 cơ quan nhà nước là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội và UBND huyện cũng có những điểm còn bất cập, cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động giảng dạy và học tập tại Trung tâm.
Trong thời gian tới, tôi đề nghị Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương cần tập trung làm tốt các nội dung sau:
Một là: Tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp trong giai đoạn mới, trên cơ sở bám sát 04 chức năng của giáo dục thường xuyên là chức năng thay thế, chức năng nối tiếp, chức năng bổ sung và chức năng hoàn thiện. Rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ đã và đang triển khai; khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thị trường lao động cũng như nhu cầu học tập trên địa bàn, xác định đối tượng học tập, tìm hiểu những lĩnh vực, ngành nghề mới phù hợp để chủ động đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND huyện tổ chức các chương trình và hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng; làm cơ sở để liên kết, liên thông với các cơ sở giáo dục, đạo tạo có chất lượng, có thương hiệu thiết kế các chương trình đào tạo, các lớp học bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học viên và bám sát nhu cầu thực tiễn phát triển các ngành nghề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hai là, Chăm lo xây dựng Chi bộ, các tổ chức đoàn thể của Trung tâm trong sạch vững mạnh; chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực chuyên môn sâu, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục, dành nhiều tâm huyết cho công tác giảng dạy. Mỗi cán bộ, giáo viên Trung tâm phải thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức và tri thức để học viên noi theo. Về phía Ban lãnh đạo Trung tâm, tôi đề nghị các đồng chí cần quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, để các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.
Ba là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, tạo môi trường học tập hấp dẫn, chuyên nghiệp; gắn với chú trọng giáo dục lý tưởng, nhân cách, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học viên; làm tốt công tác hướng nghiệp, trên cơ sở phù hợp về năng lực, sở trường của từng học viên; tăng cường ứng dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại và các phương pháp mới nhất trong giảng dạy. Phát huy tối đa lợi thế về các hình thức giáo dục (là vừa học vừa làm, học từ xa và tự học có hướng dẫn) để người dân khi có nhu cầu sẽ được tạo điều kiện học tập tốt nhất, phù hợp nhất. Tăng cường thời lượng đào tạo thực hành thông qua phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong huyện, trong tỉnh để các học viên được trang bị đầy đủ kỹ năng nghề cần thiết, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng ngay sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo tại Trung tâm.
Cũng tại buổi lễ hôm nay, thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quảng Xương, tôi xin trân trọng cảm ơn Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vì sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với ngành giáo dục và đạo tạo huyện Quảng Xương nói chung và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương nói riêng trong suốt những năm qua. Trong thời gian tới, huyện Quảng Xương chúng tôi rất mong muốn các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục dành nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng để cùng với chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm phù hợp và tốt nhất cho hoạt động của cả hai hình thức học là giáo dục thường xuyên và dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương hiện nay.
Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND huyện; sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và các phòng, ban, đơn vị trong huyện; phát huy những thành tích đã đạt được trong 30 năm hình thành và phát triển, cùng với nhiệt huyết cống hiến và truyền thống dạy tốt, học tốt của cả thầy và trò, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, khách quý, các thầy giáo, cô giáo và học viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!