.jpg)
Trồng rau thủy canh bằng hệ thống hồi lưu
Trồng rau thủy canh là kỹ thuật trồng rau trong môi trường sinh trưởng không phải là đất tự nhiên. Nếu như trồng rau trong đất thì rau sẽ lấy chất dinh dưỡng từ đất để lớn lên còn theo phương pháp trồng rau thủy canh thì chất dinh dưỡng cung cấp cho cây được hòa tan trong nước và cung cấp thường xuyên cho cây trồng.
1. Khái niệm rau thủy canh
Rau thủy canh là loại rau được trồng trong môi trường dung dịch dinh dưỡng hay gọi đơn giản là loại rau được trồng trên nước.
Rau thủy canh có ưu điểm lớn nhất đó là "sạch", do rau được trồng trong môi trường nước nên không tiếp xúc với đất cát, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. Từ đó giúp rau sạch hơn, không mất quá nhiều thời gian ngâm rửa trước khi sử dụng hay thậm chí có thể ăn ngay sau khi thu hoạch.
Rau thủy canh được đánh giá là loại rau tốt cho sức khỏe con người hơn các loại rau được canh tác theo phương pháp truyền thống. Lý do là vì rau được trồng từ nguồn dinh dưỡng được nghiên cứu kỹ không chứa chất hóa học xấu, hơn thế nữa thủy canh cách ly rau hoàn toàn với môi trường bên ngoài nên không lo sâu bệnh, thuốc trừ sâu....
2. Ưu điểm và nhược điểm
Ưu điểm:
- Đây là một mô hình trồng rau hiện đại giúp tiết kiệm diện tích đất một cách tối đa có thể tận dụng không gian ở trên tầng thượng, ban công.
- Không tốn nhiều công chăm sóc vì bởi hệ thống đã được lắp đặt một cách tự động, người trồng chỉ cần kiểm tra nồng độ dinh dưỡng theo quy định nếu thấy nồng độ dinh dưỡng bị thiếu thì bổ sung thêm.
- Tiết kiệm công lao động như làm cỏ, vun xới.
- Hạn chế tối đa rau trồng bị sâu bệnh, vi sinh vật tấn công, tránh được những tác động từ yếu tố thời tiết.
- Năng suất rau trồng bằng phương pháp thủy canh đạt cao hơn 25% so với rau trồng bằng đất, cây phát triển đồng đều. Đảm bảo cung cấp nguồn rau an toàn cho sức khỏe gia đình.
Nhược điểm:
- Chi phí đầu tư ban đầu khá cao.
- Yêu cầu về kỹ thuật khá cao đòi hỏi người trồng rau phải có những hiểu biết nhất định về dinh dưỡng thủy canh nếu như không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây hoặc cung cấp quá nhiều sẽ khiến cây không phát triển được hoặc bị chết.
- Cần đảm bảo rau trồng được hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời hàng ngày.
.jpg)
Trồng rau bằng hệ thống thủy canh tĩnh
3. Sự khác nhau giữa trồng thủy canh và thổ canh
Trồng thủy canh:
- Trồng trong nước, dinh dưỡng được cung cấp cho cây hàng ngày, hàng giờ thông qua nước dinh dưỡng.
- Tận dụng diện tích không gian tối đa, canh tác trong nhiều điều kiện khác nhau.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ít sử dụng thuốc bảo vệ, an toàn cho sức khỏe người dùng.
- Chi phí đầu tư cao
Trồng thổ canh
- Trồng trên đất, dinh dưỡng cho cây được cung cấp cho cây theo thời kì bằng cách bón vào đất.
- Diện tích trồng hạn chế, không tối ưu không gian do chỉ trồng được trên đất
- Tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, có thể thuốc bảo vệ thực vật dạng phun, dạng bón... có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
- Chi phí đầu tư thấp
4. Lợi ích của trồng thủy canh
Cung cấp rau sạch, sản lượng cao: Nhờ được trồng trong mô hình khép kín, tối ưu diện tích, quy trình trồng được kiểm soát kỹ lương nên rau thủy canh có chất lượng và an toàn hơn, cùng với đó năng suất của phương pháp này cũng cao hơn.
Tiết kiệm chi phí: Dù mức chi phí đầu tư cho trồng thủy canh là khá lớn, tuy nhiên trồng thủy canh lại có những lợi ích như: Tiết kiệm nước, tiết kiệm dinh dưỡng... thế nên thủy canh là phương pháp tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp khác.
Thời gian thu hoạch nhanh: Chỉ với 20 - 30 ngày là lứa rau thủy canh có thể cho thu hoạch.
Hạn chế rủi ro: Phương pháp này giúp hạn chế dịch bệnh, sâu bọ, từ đó giảm thiểu rủi ro cho người nông dân.
Bảo vệ môi trường: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất gây hại cho môi trường từ đó giúp môi trường được bảo vệ tốt hơn.
5. Một số loại hệ thống thủy canh đang được sử dụng hiện nay
– Hệ thống thủy canh dạng bấc
Đây là mô hình thủy canh đơn giản và xuất hiện sớm nhất, hiện nay chỉ một số nơi áp dụng trồng vài loại cây dài ngày. Nguyên lý hoạt động tương tự như nguyên tắc đèn dầu là sử dụng sợi bấc để cung cấp dưỡng chất cho cây. Cây được trồng trong giá thể, đặt ở trên bồn chứa dung dịch dinh dưỡng. Người ta đặt một đầu sợi bấc chạm vào rễ cây, đầu còn lại trong dung dịch dinh dưỡng để hút nước và dưỡng chất truyền lên nuôi cây. Thông thường, bấc được làm từ những sợi cotton hoặc vải.
– Hệ thống thủy canh tĩnh
Mô hình này phù hợp với một số loại cây ngắn ngày. Khi trồng bằng hệ thống thủy canh tĩnh, rễ cây sẽ ngập trong dung dịch dinh dưỡng được chứa trong bình, khay, thùng chứa hoặc bể phía dưới. Phần ngăn giữ cây làm bằng chất liệu nhẹ, đặt trên miệng bể chứa, được gọi là bệ nổi. Trong bình chứa dung dịch dinh dưỡng có đặt thêm một hệ thống sục khí oxy giúp rễ cây thông thoáng, phát triển tốt.
– Hệ thống thủy canh hồi lưu
Khác với hệ thống thủy canh tĩnh, với mô hình hồi lưu sẽ có thêm một máy bơm điều khiển dung dịch dinh dưỡng tới rễ cây theo chu kỳ nhất định. Vì thế, rễ cây luôn thông thoáng tránh được hiện tượng ngập úng và lượng dinh dưỡng được kiểm soát tốt hơn.
– Hệ thống thủy canh nhỏ giọt
Theo mô hình này, hệ thống máy bơm sẽ tự động bơm dung dịch dinh dưỡng lên tưới trực tiếp vào gốc cây, nước tưới nhỏ giọt, chậm và theo chu kỳ. Phần dinh dưỡng dư sẽ được lọc trở lại bể chứa và có thể tái sử dụng.