.jpg)
Chuột cắn phá lúa trên đồng ruộng
Những năm gần đây, diện tích cây trồng bị chuột gây hại có xu hướng gia tăng trên nhiều loại cây trồng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật thời tiết, cơ cấu cây trồng đa dạng gắn với canh tác xen canh, gối vụ tạo điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản, bùng phát về số lượng và khả năng gây hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ an toàn cho các loại cây trồng . Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn một số biện pháp diệt chuột như sau:
Đặc tính sinh học và quy luật phát sinh gây hại của chuột đồng hại cây trồng:
Chuột là đối tượng dịch hại quan trọng, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch.
Chuột chủ yếu hoạt động và gây hại vào ban đêm. Trên ruộng, chuột phá hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, nhưng hại nặng nhất vào giai đoạn đòng - trỗ, lúc này chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang lúa, ăn hạt. Trong nhiều trường hợp, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn. Ở giai đoạn hình thành đòng, chuột cắn thủng bẹ, ăn đòng. Khi lúa sắp chín, chuột vít dảnh lúa xuống để ăn hạt, dảnh bị hại thường bị cắn đứt, chỉ còn một phần nhỏ dính vào thân. Nếu bị hại sớm, lúa có thể phục hồi, tạo ra dảnh mới, nhưng khi chín sẽ không đều. Nếu bị hại muộn, lúa không phục hồi được, không cho năng suất.
Tỷ lệ chuột cái có chửa rất cao vào giai đoạn đòng - trỗ và trong khi mang thai, sinh sản, chuột mẹ không ra ngoài kiếm ăn khoảng 10-15 ngày, do đó, nếu trong thời gian này ta đặt bả, hiệu quả sẽ kém, ngược lại nếu xông hơi giết chuột thì hiệu quả sẽ cao.
Chuột sinh sản theo cấp số nhân, trong suốt cuộc đời, chuột đẻ nhiều lứa, trung bình một năm, chuột đẻ 3-4 lứa, nếu thức ăn dồi dào, chuột có thể đẻ 5-6 lứa và ngược lại. Mỗi lứa trung bình có 5-12 con. Chuột thường bò men theo bờ, di chuyển trên đường mòn quen thuộc. Chuột có tính đa nghi, hay nghi ngờ chổ lạ, thức ăn lạ. Điều quan trọng là chuột bao giờ cũng nếm thử thức ăn trước khi ăn nhiều, do vậy khi tổ chức đánh bã, cần cho chuột ăn mồi không có thuốc độc trước 3-5 ngày, rồi sau đó mới trộn thuốc vào bã. Nếu từ đầu đã đặt thuốc, chuột chỉ nếm thử, không ăn tiếp, ta gọi là “nhát bã”. Chuột thường sống trong hang, dưới đất, nhất là ở bờ ruộng lúa. Khi lúa chín, chuột rời hang, vào sống trong ruộng, nhiều khi làm tổ trên cây lúa.Vì vậy, thiệt hại thuờng ở giữa ruộng. Chuột không thích nước, do đó năm nào hạn nặng, năm đó chuột nhiều.
.jpg)
Sử dụng biện pháp thủ công đánh bắt chuột
Chuột là loài gặm nhấm thuộc động vật có vú nhỏ, có đại não phát triển, nên chuột rất tinh ranh, đa nghi, di chuyển rộng và hoạt động bầy đàn, chủ yếu hoạt động vào ban đêm; chuột có khả năng sinh sản và tái lập quần thể nhanh chóng. Nên việc diệt chuột đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và phải dựa vào đặc tính sinh lý của chuột để đưa ra những biện pháp diệt chuột hiệu quả.
Thời điểm diệt chuột:
Tổ chức triển khai diệt chuột thường xuyên, liên tục, đồng loạt và tập trung vào 5 thời điểm quan trọng có tính quyết định như sau:
+ Đợt 1: Thời kỳ lúa đứng cái, làm đòng vào cuối tháng 3 - giữa tháng 4;
+ Đợt 2: Trước gieo cấy lúa Mùa vào cuối tháng 6 - đầu tháng 7;
+ Đợt 3: Thời kỳ lúa đứng cái, làm đòng vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9;
+ Đợt 4:Thời kỳ làm đất trồng cây vụ Đông vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10;
+ Đợt 5: Thời kỳ cây vụ Đông gần thu hoạch vào cuối tháng 11 - đầu tháng 12.
Đây là thời gian diệt chuột hiệu quả cao nhất, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm mật độ chuột trên đồng ruộng, giảm sự tích lũy và gây hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Các biện pháp phòng trừ chuột:
Tăng cường thông tin tin truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông: Bài viết, báo hình và hệ thống truyền thanh ở thôn, xã; tổ chức các buổi hội thảo tập huấn với các nội dung về đặc điểm, sinh học, tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất nông nghiệp, trong suốt vụ sản xuất và các cao điểm phát sinh phát triển và gây hại.
Phát động phong trào, chiến dịch toàn dân tham gia diệt chuột. Huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia, giới thiệu những địa phương làm tốt, cách làm hay phát trên các đài Truyền thanh và Truyền hình, trên các trang mạng xã hội để thực hiện việc diệt chuột bảo vệ sản xuất và môi trường một cách tốt nhất.
Để phòng trừ chuột hiệu quả nên áp dụng tổng hợp các biệp pháp kỹ thuật sau đây:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư rơm rạ, cây trồng... sau thu hoạch, phát quang bờ bụi, không để đất hoang, hạn chế các bờ lớn, lùm cây giữa đồng... là nơi ẩn nấp lý tưởng của chuột. Ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang…thường xuyên bị chuột gây hại nặng, cần tiến hành quây rào nilon xung quanh, kết hợp bắt chuột.
Gieo cấy gọn thời vụ tập trung, đồng loạt để cắt nguồn thức ăn thích hợp kéo dài trong giai đoạn lúa đòng trỗ và chín. Giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa.
- Biện pháp thủ công:
Đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn, soi đèn, săn đuổi, chú ý: không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, các công trình thuỷ lợi.
Dùng các loại bẫy cặp (bẫy bán nguyệt), bẫy lồng sập, bẫy dính, sử dụng các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng thiên địch của chuột để diệt chuột như duy trì và phát triển đàn mèo, chó; bảo vệ các loài trăn, rắn, chim cú…
- Biện pháp hóa học: Tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng. Thuốc sử dụng ưu tiên dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hóa học. Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay trên địa bàn có chứa hoạt chất như: Diphacinone (min95%), Bromadiolone (min 97%), Brodifacoum (min 91%), Warfarin, Flocoumafen.... với các loại thuốc như: Hicate 0.08AB, Gimlet 0.2GB, Kingcat 0.05RB, Rat-kill 2%DP, Broma 0,005AB...
- Lượng thuốc sử dụng: Tùy theo số lượng chuột có trên đồng ruộng để sử dụng; Lựa chọn thời điểm, địa điểm diệt chuột: Thời gian chuột thường đi kiếm ăn chủ yếu vẫn nằm trong khoảng 5-6h sáng hoặc 8-12h đêm, ưu tiên tập trung diệt chuột ở những nơi chuột thường cư trú như: Mương máng, bờ vùng, vùng cồn, nghĩa trang, công trình thủy lợi, quanh các trang trại. Cách sử dụng: Đặt thuốc tại cửa hang, đường đi của chuột hoặc nơi chuột thường xuyên cắn phá, hang hay đường đi của chuột. Đồng thời, đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc: Bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp; để thuốc xa trẻ em, thực phẩm, vật nuôi và nguồn nước. Khi sử dụng thuốc phải có dụng cụ bảo hộ lao động như: Khẩu trang, kính mắt, găng tay... cắm biển cảnh báo khu vực đặt thuốc, thông báo trên hệ thống truyền thanh thời gian đặt thuốc để nhân dân chủ động bảo vệ gia súc, gia cầm và động vật máu nóng. Hàng ngày thu gom xác chuột để đốt tiêu hủy hoặc chôn xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt.
Lưu ý: Nghiêm cấm việc sử dụng thuốc diệt chuột ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng và các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Nghiêm cấm sử dụng điện để diệt chuột./.