.jpg)
Toàn huyện có gần 500 ha diện tích đất trồng cói
Ngoài đặc thù là trồng lúa, nông dân một số địa phương trên địa bàn huyện Quảng Xương còn được biết đến với nghề trồng cói, dệt chiếu. Trải qua bao biến động của thời gian và những thăng trầm trong phát triển kinh tế, nghề trồng cói được Nhân dân giữ như một phần hồn cốt của làng quê. Không chỉ là nghề truyền thống lâu đời, cây cói còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống và cung cấp phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Hiện nay, huyện ta có gần 500 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn... Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/ năm. Trong đó, xã Quảng Phúc có diện tích đất trồng cói nhiều nhất huyện với 350ha. Nghề trồng cói có từ lâu đời, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân địa phương.
Theo người dân trồng cói cho biết: Cây cói được trồng chủ yếu trên đất bãi ven sông, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi với độ ẩm cao, tầng đất phù sa dày. Cói là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng cói 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm; mỗi năm có hai vụ chu kỳ mọc lại cây từ gốc cũ, vụ chiêm xuân thu hoạch vào tháng 5 và vụ mùa vào khoảng cuối tháng 9 âm lịch. Ruộng cói sau khi thu hoạch khoảng 20 ngày, người trồng cói tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, bón các loại phân, duy trì mực nước trong đồng ruộng cho cây sinh trưởng phát triển trở lại. So với trồng lúa, trồng cói vất vả hơn, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng gần 2 tháng. Vào thời điểm chính vụ, thời tiết nắng nóng, người dân phải ra đồng từ 2h sáng cắt cói để tránh nắng. Cói sau khi thu hoạch phân thành 3 loại để chẻ rồi mới đem phơi khô để loại bỏ phụ phẩm và cung cấp cho các cơ sở sản xuất chiếu trong và ngoài địa bàn. Tùy từng năm, cói có giá bán khác nhau, nhưng thường giao động ở mức giá từ 14 đến 18 nghìn đồng/kg cói khô.
.JPG)
Nghề trồng cói mang lại thu nhập ổn định cho người dân
Để nâng cao năng suất, chất lượng cho diện tích trồng cói, những năm qua huyện Quảng Xương đã tập trung đầu tư nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng tạo thuận lợi cho bà con nông dân phát triển nghề trồng cói, góp phần cung cấp nguyên liệu tự nhiên sẵn có phục vụ cho nghề dệt chiếu của người dân địa phương; khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, thâm canh tăng năng xuất, chất lượng cây cói. Đặc biệt, có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt, mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có gần 400 máy dệt chiếu. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại. Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5 nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/ người/ tháng. Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TPHCM, Hưng Yên và các tỉnh lân cận khác...
Xác định duy trì và mở rộng diện tích trồng cói có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ nghề dệt chiếu cói truyền thống, hiện nay các địa phương đang tích cực vận động bà con nông dân tham gia hợp tác xã; ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong thâm canh, để hướng đến xây dựng cánh đồng mẫu lớn; thực hiện các chính sách phát triển vùng cói, nhất là nâng cao năng lực tưới tiêu giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, phôi phục và mở rộng diện tích trồng cói, đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu tại chỗ cho sản xuất; phấn đấu xây dựng chiếu cói Quảng Xương trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai.