Những năm qua, thị trấn Tân Phong đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, nhằm nâng cao thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
.jpg)
Cửa hàng VinMart tại thị trấn Tân Phong đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 1.148 hộ tham gia sản xuất kinh doanh, trong đó có 815 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại, tạo việc làm cho trên 2 nghìn lao động địa phương, với các ngành nghề, như: Vận tải, kinh doanh điện tử, điện máy, cơ khí, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa, thời trang... Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ phát triển, thời gian qua thị trấn Tân Phong đã tập trung huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp phát triển kết cầu hạ tầng đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ đầu tư, mở rộng ngành nghề kinh doanh, buôn bán và bảo vệ người tiêu dùng; tuyên truyền đến cơ sở kinh doanh, dịch vụ về các quy định trong sản xuất, kinh doanh nên thương mại, dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định; hàng hóa đảm bảo lưu thông, ổn định giá, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và từng bước hình thành thói quen giao dịch văn minh hiện đại trong dân cư. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã nỗ lực, linh hoạt tìm hướng vượt khó để duy trì và từng bước ổn định hoạt động kinh doanh; chủ động đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.Tiêu biểu, như: Siêu thị Điện máy Xanh; cửa hàng Vinmart; Thế giới di động; cửa hàng thời trang YODY…Nhờ đó, doanh thu từ thương mại dịch vụ trên đia bàn thị trấn từ đầu năm đến nay đạt trên 740 tỉ đồng tăng 10,08% so với cùng kỳ.Thương mại, dịch vụ phát triển đã tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,77%.
.jpg)
Hãng thời trang YODY đầu tư trên địa bàn thị trấn Tân Phong
Xác định ngành thương mại, dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương, hiện nay thị trấn Tân Phong đang tích cực triển khai thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Trong đó, tập trung tuyên truyền, khuyến khích Nhân dân chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp như giày da, may mặc, điện tử, cơ khí, điện dân dụng…; vận động các hộ sản xuất, kinh doanh thành lập doanh nghiệp; phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan của huyện thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ thương mại để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá; phối hợp với các lực lượng chức năng bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa; quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh các mặt hàng dịch vụ ăn uống, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thị trấn; tạo điều kiện và liên kết sản xuất, phát triển nghề truyền thống như: nuôi cá nước ngọt, nghề mây tre đan,…phấn đấu trong năm 2022 đưa tỷ trọng cơ cấu kinh tế ở lĩnh vực dịch vụ thương mại đạt từ 20% trở lên, bảo đảm sự phát triển ổn định, tăng trưởng với tốc độ nhanh, vững chắc, cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài địa bàn; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo ra nhiều việc làm, cải thiện tích cực đời sống Nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giữ vững ổn định chính trị – xã hội của địa phương.