.jpg)
Điểm cầu Huyện ủy Quảng Xương
Sáng ngày 18/5/2025, huyện Quảng Xương tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Tham dự hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu Huyện ủy, UBND huyện Quảng Xương có các đồng chí: Nguyễn Quốc Tiến – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Phạm Thị Mai – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Huy Nam – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các Ủy viên BTV Huyện ủy; các đồng chí nguyên là Ủy viên BTV tỉnh ủy, Ủy viên BTV Huyện ủy đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện; lãnh đạo, cán bộ công chức cơ quan Huyện ủy, UBND; Trưởng, Phó Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị cấp huyện, Trung tâm Chính trị huyện, các đồng chí báo cáo viên cấp huyện; đơn vị sự nghiệp cấp huyện; Bí thư Đảng bộ, Chi bộ các cơ quan trực thuộc Huyện ủy.
Hội nghị được kết nối xuống điểm cầu 26 xã, thị trấn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".
Nội dung trọng tâm của chuyên đề, tập trung vào: Một số vấn đề về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết 66; những mặt được và mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua. Những nội dung trọng tâm, cốt lõi Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị (bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp) và những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 197, ngày 17-5-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66 và những nội dung cơ bản trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66 của Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ…
.jpg)
Điểm cầu UBND huyện
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, có thể gọi 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân) là “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước ta “cất cánh”.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: Từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Về những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá. Đồng thời, toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể, đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ.
Tiếp đó, khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập; khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox.
Đồng thời, tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới tận dụng cam kết hội nhập để chuyển hóa thành tăng trưởng thực tế; thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn.
Cùng với đó, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận trong toàn xã hội…
Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những nghị quyết mới theo phương châm: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy.
Đồng thời, mỗi người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển; cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực, cùng nhau thắp lên ngọn lửa “Đổi mới - Khát vọng - Hành động”, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.
Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương trân trọng tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng ngay sau hội nghị cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung hội nghị trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, khẩn trương cụ thể hóa, đưa các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng thành hành động cụ thể, đạt hiệu quả rõ nét và thực chất; bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp nắm vững, thấm nhuần mục đích, nội dung của 2 nghị quyết có ý nghĩa cách mạng, đột phá, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Đảng. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong xã hội.