Sáng 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số. Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Quảng xương
Đồng chí Nguyễn Đình Dự - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện chủ trì hội nghị tại điểm cầu huyện Quảng Xương. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Tào Quang Chiến - Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện; Nguyễn Huy Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện; Thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện; Các thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc Đề án 06 cấp huyện; Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của 26 xã, thị trấn.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Sau 01 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công an đã tích cực triển khai CSDL quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến. An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực. Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Cùng với đó đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp trước; hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.
Tại hội nghị các đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện các địa phương đã tập trung tham luận về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ và hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự cố gắng nỗ lực của BCĐ về Chuyển đổi số Quốc gia, Tổ công tác Đề án 06 các địa phương và sự chung tay, đồng lòng của quần chúng nhân dân. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 thực chất, tránh hình thức, gắn với điều kiện thực tế của địa phương; Thủ tướng yêu cầu cần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ số hoá hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trên môi trường mạng; đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua hệ thống chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt; rà soát, đánh giá an toàn thông tin mạng; tập trung xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp về nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về chuyển đổi số và các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh lộ trình thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trong năm 2023 và các năm tiếp theo.