Những năm qua, huyện Quảng Xương đã phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế về giao thông, đất đai, nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) làng nghề. Theo đó, hàng năm, giá trị sản xuất CN trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khá, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Công ty Giầy Alena đóng trên địa bàn thị trấn Tân Phong tạo việc làm cho hàng trăm lao động
địa phương, với mức lương từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng trên người trên tháng
Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, huyện Quảng Xương đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững trong phát triển kinh tế, trong đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư, triển khai dự án, bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm tại các cụm công nghiệp (CCN), cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng phục vụ doanh nghiệp và người dân; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là những ngành nghề có tiềm năng, tạo nhiều việc làm, như: May mặc, giầy da, chế biến nông sản, thủy sản, đồ gỗ, mỹ nghệ, nội thất xây dựng...Điển hình như Công ty may 888 xã Quảng Hợp; Công ty Giầy Alena tại thị trấn Tân Phong; Công Ty TNHH Fruit Of The Loom Việt Nam tại xã Tiên Trang đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương đạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/ người/ tháng…
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Quảng Xương chú trọng đến vấn đề phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 CCN được đưa vào trong quy hoạch phát triển CCN của tỉnh, với tổng diện tích 229,8 ha, gồm: CCN Nham Thạch, tại xã Quảng Nham; CCN Cống Trúc, xã Quảng Bình; CCN Tiên Trang, xã Tiên Trang; CCN Quảng Yên, xã Quảng Yên và CCN phía Tây Nam TP Thanh Hóa, có diện tích 65 ha. Các CCN được hình thành, khi đi vào hoạt động, sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Có thể khẳng định, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, những năm gần đây, ngành CN, TTCN toàn huyện luôn đạt mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng bình quân từ 15% đến 16%/ năm. Công nghiệp phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/ người/ tháng. Thu nhập ổn định, đời sống của người dân ngành càng nâng lên.
Hiện nay, bên cạnh việc chú trọng xây dựng thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cung cấp các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, các mặt bằng quỹ đất công nghiệp, nguồn lao động và các ngành nghề phù hợp, nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nhu cầu sử dụng nhiều lao động đầu tư vào các CCN trên địa bàn, huyện đang tiếp tục lựa chọn, phát triển những sản phẩm công nghiệp nông thôn mang tính truyền thống; khôi phục phát triển các ngành nghề, nghề truyền thống, làng nghề. Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, từ đó quan tâm tới việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao để không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng công khai minh bạch các trình tự, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giao dịch thuận lợi; quan tâm xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức các cuộc đối thoại theo định kỳ, giải quyết dứt điểm và kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai hiệu quả chương trình khuyến công, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, ưu tiên phát triển, nâng cấp một số ngành nghề có thương hiệu; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, gắn với công tác chống thất thu thuế trên địa bàn…