Với nỗ lực của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã nhanh chóng lan tỏa kịp thời đến đúng đối tượng, đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phục hồi phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Quảng Xương kiểm tra mô hình vay vốn phát triển kinh tế
Quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023, ngay từ đầu năm,Phòng giao dịch NHCSXH Quảng Xương đã chủ động phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; các ban, ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt việc cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn. Trong đó, chú trọngcác chương trình tín dụng chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởidịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. NHCSXH huyện Quảng Xương đã thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về tín dụng ưu đãi kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, tăng cường các giải pháp củng cố, duy trì ổn định hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thị trấn; đôn đốc, nhắc nhở hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn khẩn trương tổ chức họp bình xét, thực hiện cho vay đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hộ vay kịp thời tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Gia đình Ông Lê Văn Hùng ở thôn Phú Đa, xã Quảng Đức, được vay vốn chính sách phát triển kinh tế
Được thụ hưởng nguồn vốn vay từ Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ NHCSXH huyện,đầu năm 2023 gia đình ông Lê Văn Hùng ở thôn Phú Đa, xã Quảng Đức được vay 80 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất miến gạo và bánh đa nem, sản phẩm đạt thương hiệu OCOP 3 sao. Được xét duyệt, tiếp cận nguồn vốn từ Chương trình đã giúp gia đình ông Hùng đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, từ đó mang lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng và hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 03 lao động có thu nhập và việc làm ổn định.
Tính đến giữa tháng 12 năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 606,3 tỷ đồng, tăng 81,5 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2023. Tăng trưởng tín dụng tập trung tại các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo. Riêng các khoản vay theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CPngày 30/01/2022 của Chính phủ đã giải ngân 35,5 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 25 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 10,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Thủy – Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Xương cho biết:Thời gian tới, trên cơ sở kết quả rà soát nhu cầu vay vốn, NHCSXH huyện Quảng Xương tiếp tục đề nghị NHCSXH cấp trên quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho chương trình; đồng thời tham mưu cho HĐND, UBND huyệntiếp tục dành vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các kênh bảo đảm thông tin lan tỏa rộng rãi đến các đối tượng có nhu cầu; yêu cầu mỗi cán bộ NHCSXH phải có trách nhiệm như một tuyên truyền viên để người vay vốn hiểu về chủ trương, chính sách của Nhà nước, các Chương trình tín dụng của NHCSXH, sử dụng đúng mục đích và nâng cao ý thức, trách nhiệm trả nợ của người vay vốn. Đồng thời, lồng ghép với các chương trình cho vay nhằm tạo nguồn lực đủ lớn để người dân có thể đầu tư phát triển sản xuất; tiếp tục phối hợp tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đến người dân và các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn toàn huyện; đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn được phân bổ theo đúng quy định, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng,đã góp phần giải quyết “cơn khát vốn”, giúp các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19 giảm bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Quảng Xương./.