Huyện Quảng Xương tập trung phát triển chăn nuôi trang trại gắn với bảo vệ môi trường
Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Những năm qua, các cấp, các ngành trong huyện đã tạo điều kiện về đất đai, pháp lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức trang trại, gia trại tập trung, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Page Content
.jpg)
Nhờ chú trọng công tác vệ sinh môi trường nên đàn vật nuôi của gia đình
ông Lợi phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao
Để đảm bảo ngành chăn nuôi trong huyện phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao cho các hộ chăn nuôi, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn tập trung tích tụ đất đai, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, theo hướng trang trại, gia trại nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng khả năng cạnh tranh của thị trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 114 trang trại; hầu hết các trang trại đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý chất chất thải bằng hầm bioga, hạn chế rủi do dịch bệnh; đồng thời áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các sơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; mở các lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi; tuyên truyền vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, có ý thức trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả.
.jpg)
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 114 trang trại, hầu hết các trang trại đều được quy hoạch cách xa khu dân cư
Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn, gà nông hộ của gia đình ông Lê Văn Lợi, ở thôn Én Giang xã Quảng Hợp, những năm trước đây thường xuyên xảy ra dịch bệnh, không có thu nhập. Từ năm 2016, được UBND xã Quảng Hợp tạo điều kiện cho thầu 12 nghìn m2 diện tích đất vùng trũng, ông Lợi đã mạnh dạn mua thêm 10 nghìn m2 đất của các hộ xung quanh để cải tạo, phát triển mô hình trang trại tổng hợp gà, lợn, nhưng chủ yếu là nuôi gà thương phẩm, với số lượng 25 nghìn con/ lứa. Ngay khi xây dựng chuồng trại, ông Lợi đã quan tâm đến khâu vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh học và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi…Nhờ đó, trang trại của gia đình ông Lợi luôn đảm bảo sạch sẽ, con nuôi phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh, trung bình một năm ông Lợi xuất bán được 4 lứa gà, sau khi trừ chi phí, mô hình trang trại của gia đình ông Lợi cho thu lãi trên 300 triệu đồng/ năm.
Việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế các loại dịch bệnh phát sinh, bảo vệ đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, cũng như ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.
Nguyễn Liên