Để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tích cực ra đồng chăm sóc và chủ động thực hiện các biện phòng phòng trừ sâu bệnh gây hại.

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện đang tích cực ra đồng chăm sóc
và chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại để bảo vệ lúa mùa
Vụ mùa năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài ngay từ đầu vụ, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự chủ động của người dân trong việc điều tiết, tận dụng nguồn nước tưới hợp lý nên các địa phương đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích đảm bảo tiến độ đề ra. Thời điểm nay, trên 6.600 ha lúa trà sớm và trà chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đến đẻ nhánh rộ; bà con nông dân đang tập trung ra đồng tỉa dặm lại những diện tích lúa gieo sạ không đều hoặc do chuột, ốc bưu vàng cắn phá; làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón phân, nhằm giúp cây lúa nhanh phục hồi đẻ nhánh khỏe, tập trung, sớm đạt số nhánh tối đa; đồng thời áp dụng các biện pháp thủ công hoặc dùng thuốc sinh học để diệt chuột, diệt ốc bươu vàng cắn phá, bảo vệ cây lúa.
Để chủ động đối phó với thời tiết nắng hạn và tình hình sâu bệnh có thể diễn ra, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Quảng Xương thực hiện phương án tưới linh hoạt, đảm bảo điều tiết đủ nguồn nước tưới dưỡng cho bà con nông dân chăm sóc lúa, trong đó ưu tiên tưới vùng cao, vùng xa, vùng cuối kênh không chủ động được nguồn nước tự chảy; triển khai các biện pháp khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng để khắc phục tình trạng hạn hán cũng như tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn xảy ra. Các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc, cũng như kiểm tra, phát hiện kịp thời sự xuất hiện của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ, hiệu quả. Qua theo dõi, hiện nay một số diện tích lúa của xã Quảng Trường, Quảng Ngọc, Quảng Phúc, Quảng Định. .. đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 gây hại với mật độ sâu non từ 10-15 con/m2, cục bộ 20con/m2, ...Dự báo sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 khả năng gây hại từ ngày 13/7 và gây hại rộ từ ngày 14/7đến ngày 19/7 trên tất cả các trà lúa với mật độ cao nếu không được phòng trừ. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đang tích cực thăm đồng phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ nhiễm bệnh ở từng giống lúa, thông báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Khi mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 25 đến 50 con/m2 thì sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị để phun, như: Voliam targo 063SC, Prevathon 5SC, Amate 150SC, Takumi 20WG, Clever 150SC, Virtako 40WG, Opulent 150SC, Obaone 95WG,... Thời điểm phun trừ tốt nhất từ 14/7 đến 19/7/2023. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, phun khi sâu đang ở tuổi nhỏ từ 1 tuổi đến 3 ngày tuổi và thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng nơi qui định để bảo vệ môi trường.
Hiện nay, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp huyện khuyến bà con nông dân cần thường xuyên bám sát đồng ruộng, điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng gây hại, để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đảm bảo cho cây lúa sinh, phát triển tốt, đạt năng suất cao, góp phần đem lại một vu mùa bội thu.