![](/portal/Photos/2024-10-02/a1d5add496d03d0d1%20(1).jpg)
Hội Nông dân xã Quảng Lưu hướng dẫn hội viên cài đặt APP “Nông dân Việt Nam”
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ hội viên ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế tại địa phương.
Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã và đang tích cực lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, của huyện về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Trang Fanpage của hội hoạt động hiệu quả, cập nhật các thông tin hoạt động của hội các cấp giúp hội viên, nông dân nắm được hoạt động và các chỉ đạo của hội cấp trên; tích cực triển khai, hướng dẫn hội viên, nông dân tại cơ sở cài đặt, kích hoạt AP “Nông dân Việt Nam” cho gần 14 nghìn máy điện thoại của cán bộ hội viên nông dân, đây là kênh chính thống để kịp thời nắm bắt, chuyển tải các thông tin, chính sách và phong trào của hội một cách nhanh chóng, chính xác đến hội viên. Cùng với đó. Hội phối hợp cài đặt mã định danh điện tử; phối hợp với các Ngân hàng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hội viên thực hiện việc mua bán, thanh toán tiền gốc và tiền lãi các ngân hàng thông qua tài khoản, không sử dụng tiền mặt...
![](/portal/Photos/2024-10-02/9b28ce75d58631dd1%20(2).jpg)
Hội Nông dân xã Quảng Nham hướng dẫn hội viên cài đặt APP Nông dân Việt Nam
Xác định chuyển đổi số trong sản xuất góp phần tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất không chỉ ở những mô hình có quy mô lớn mà ngay từ các vườn mẫu của hộ gia đình; đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nông sản và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, các sàn giao dịch điện tử khác và hướng dẫn bán hàng trên các trang mạng xã hội. Đây là một kênh thông tin quan trọng, làm cầu nối giúp các thành viên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu, dịch vụ và sản phẩm của mình ra toàn quốc, hướng tới một giải pháp kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 30 sản phẩm OCOP, trong đó đa phần là của hội viên nông dân đạt từ 3 sao trở lên, một số sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Nước mắm Cự Nham xã Quảng Nham; bánh răng bừa Nga My, ốc nhồi Thiên Bảo thị trấn tân Phong; mắm cáy Quảng Phúc, lá xông hơi cảm lạnh và ngâm chân Mộc Việt xã Quảng Khê...từ đó tạo được niềm tin người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nếu như trước đây, với quy trình sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, sản phẩm bánh nhãn của gia đình anh Phùng Văn Lâm - thôn Đa Phú, xã Quảng Trạch làm ra chủ yếu bán cho người dân quanh vùng và khách hàng là những người thân quen. Nhận thấy, để hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương và đặc biệt để sản phẩm bánh nhãn được nhiều người tiêu dùng biết đến, anh Lâm đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, sử dụng mạng Internet tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, biết ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số như: Zalo, Facebook, đăng trên sàn thương mại điện tử; bao bì sản phẩm có in mã QR code để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu được toàn bộ thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất, phản hồi đánh giá của khách hàng, chỉ dẫn địa lý…Nhờ đó, bãnh nhãn của gia đình anh Lâm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và thường xuyên đặt hàng qua các kênh trên mạng xã hội. Từ một sản phẩm dân dã, đến nay, cơ sở sản xuất bánh nhãn của gia đình anh Lâm đã xây dựng thành công thương hiệu là bánh nhãn Lâm Phương và đạt chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2023.
![](/portal/Photos/2024-10-02/dda18da789eb274d1%20(3).jpg)
Bánh nhãn của gia đình anh Phùng Văn Lâm, thôn Đa Phú, xã Quảng Trạch được chào bán thành công trên sàn thương mại điện tử
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng CĐS đang được các cấp Hội Nông dân chú trọng thi đua thực hiện. Để thúc đẩy tiến trình CĐS trong nông nghiệp, thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về CĐS, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để nông dân quyết định hướng sản xuất - kinh doanh phù hợp, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.