Ngày 23/5/2024, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) năm 2024.

Nội dung Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và đoàn thể các cấp, cùng với những nỗ lực, cố gắng của Nhân dân trong huyện nên công tác Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức chủ động phòng tránh và ứng phó thiên tai được nâng lên; công tác kiểm tra đôn đốc chỉ đạo các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên nhiên được tiến hành khẩn trương, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; công tác quản lý nhà nước về đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi đê điều và phòng, chống thiên tai khác được quan tâm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, công tác PCTT,TKCN&PTDS cũng còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp: công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ TKCN còn mỏng, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng và chủng loại; việc nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các phương tiện trên biển còn khó khăn; việc thường trực PCTT,TKCN&PTDS tại trụ sở Ban chỉ huy và thực hiện chế độ báo cáo ở một số xã chưa nghiêm túc. Công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều, bảo vệ công trình thuỷ lợi ở một số xã còn biểu hiện buông lỏng, chưa thực sự quyết liệt, chưa dứt điểm, vẫn còn tình trạng vi phạm như: xây dựng công trình, cơi nới nhà, tường rào, đổ rác thải, lên đê và kênh mương,...vẫn xảy ra nhưng UBND các xã thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu gây ẩn họa cho công trình và ô nhiễm nguồn nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 06 trận thiên tai (01 đợt rét đậm, 02 đợt mưa lớn và 3 đợt nắng nóng diện rộng) gây thiệt hại về tài sản và sản xuất cho các địa phương; dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, bất thường và cực đoan. Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các phòng, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Tăng cường tuyên truyền Luật phòng chống thiên tai và các quy định của nhà nước về phòng chống thiên tai, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Xác định nhiệm vụ PCTT,TKCN&PTDS là nhiệm vụ trọng tâm trong mùa mưa bão, tránh tư tưởng tâm lý chủ quan, mất cảnh giác. Phát huy sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính thực hiện phương châm “ Chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Chuẩn bị đầy đủ các phương án, lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời huy động khi có sự cố xảy ra. Tiếp tục tổ chức huy động lực lượng, phương tiện để hoàn thành nạo vét kênh tưới, tiêu, khơi thông dòng chảy, phá bỏ mọi ách tắc làm cản trở phục vụ chống hạn và tiêu thoát lũ theo chỉ tiêu huyện giao và tình hình thực tế ở địa phương.
2. Bổ sung, hoàn thiện phương án PCTT,TKCN&PTDS năm 2024 phù hợp với thực tế và chức năng nhiệm vụ, đặc điểm của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ứng với các loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra. Lập các phương án huy động vật tư, nhân lực, cứu hộ, cứu nạn, phương án di dân và các phương án tác nghiệp cụ thể sẵn sàng tham gia công tác PCTT&TKCN khi có yêu cầu. Thành lập Ban chỉ huy PCTT,TKCN & PTDS, phân công trách nhiệm cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác PCTT-TKCN&PTDS đã được huyện triển khai.
3. Kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê, kè, cống, hệ thống kênh mương, hồ đập, các trạm bơm tiêu úng và các công trình phòng, chống lụt, bão. Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm về thủy lợi, đê điều; tổ chức giải tỏa thanh thải, ách tắc lòng sông để đảm bảo không gian thoát lũ; chứa lũ được giải toả xong trước ngày 30/6/2024.
4. Đối với các xã vùng ven biển, rà soát nắm chắc số phương tiện tàu, thuyền, lao động khai thác hải sản trên biển, giữ vững thông tin liên lạc để chủ động chỉ đạo, kêu gọi hướng dẫn tránh trú khi có bão và ATNĐ đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
5. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện, Thủ trưởng các phòng, ngành, Trưởng các cụm PCLB, cán bộ công chức được phân công: Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn, các đơn vị thực hiện nghiêm túc yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác PCTT&TKCN. Đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành công tác tu bổ đê điều, kênh mương, các cống, trạm bơm tiêu để đưa công trình vào sử dụng đảm bảo phòng, chống lụt, bão và tiêu úng kịp thời, xây dựng triển khai thực hiện phương án PCTT&TKCN tại các địa điểm, công trình đang thi công dở dang.
6. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo với UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện (qua Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT&TKCN huyện- phòng Nông nghiệp&PTNT).
Yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.
Giao phòng Văn phòng Thường trực Chỉ huy PCTT&TKCN huyện (phòng Nông nghiệp & PTNT huyện) phối hợp với Văn phòng HĐND&UBND huyện đôn đốc, tổng hợp việc triển khai thực hiện và báo cáo UBND huyện và BTV huyện uỷ để theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời./.