Huyện Quảng Xương tập trung tái đàn gia súc, gia cầm
Page Content
.jpg)
Gia đình anh Hoàng Sỹ Hùng, thôn 1, xã Tiên Trang chủ động tái đàn gia cầm để phục vụ thị trường sau Tết
Ngay sau Tết Nguyên đán 2025, các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tập trung tái đàn, tăng đàn kết hợp với phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nhằm ổn định hoạt động chăn nuôi trong năm mới.
Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Hoàng Sỹ Hùng, thôn 1, xã Tiên Trang đã xuất bán trên 1.000 con gà thương thẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định dịp cuối năm cho gia đình. Ngay sau tết, gia đình anh Hùng đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tái đàn ổn định chăn nuôi. Anh Hùng cho biết: Gia đình có đất rộng nên tôi luôn nuôi gà theo hướng gối vụ, không để đứt lứa nuôi, nên ngay sau khi xuất bán lứa gà trong dịp tết tôi đã đưa vào lứa nuôi mới 5.000 con. Việc tái đàn, tăng đàn sau tết cần phải cẩn thận vì đây là thời điểm giao mùa, con nuôi sức đề kháng kém dễ mắc bệnh. Vì vậy, khi tái đàn, nguồn con giống tôi phải lựa chọn kỹ, được nhập từ trang trại giống uy tín và được kiểm tra chất lượng, tiêm phòng đầy đủ vác xin, nguồn thức ăn đảm bảo. Bên cạnh đó, đối với hệ thống chuồng trại cần thường xuyên tiêu độc khử trùng, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa phát sinh dịch bệnh.
.jpg)
Người chăn nuôi cần tiêm phòng vác xin, phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng nuôi theo định kỳ để bảo vệ đàn vật nuôi
Năm 2025, toàn huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng đàn gia súc, gia cầm ước đạt trên 1 triệu con. Để thực hiện mục tiêu này, huyện chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trước khi thực hiện việc tái đàn, các hộ nuôi cần tổng vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn, sát trùng dụng cụ chăn nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải đúng theo quy định; cải tạo chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa... Việc lựa chọn con giống cần được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, con giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan thú y; không nhập con giống từ những vùng có dịch về nuôi để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Đối với gia súc, gia cầm còn non cần chú ý sưởi ấm, nhất là vào ban đêm; cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
.jpg)
Năm 2025, huyện phấn đấu đưa ngành chăn nuôi phát triển ổn định
Hiện nay, thời tiết bất thường là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển, có thể bùng phát. Do đó, ngoài việc khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tằng cường phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ; chủ động tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư phát triển chăn nuôi cho phù hợp với tình hình thực tế, không tái đàn ồ ạt, tránh thiệt hại khi đưa vào các lứa nuôi mới, góp phần đưa ngành chăn nuôi toàn huyện năm 2025 phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
Nguyễn Liên - Trung tâm VH, TT, TT và DL