.jpg)
Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa chiêm xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái.
Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa Chiêm Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái. Đây là thời điểm lúa rất mẫn cảm với các đối tượng dịch bệnh gây hại. Do đó, cùng với việc chăm sóc, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Hiện nay các trà lúa Xuân trên địa bàn huyện đang phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái. Tuy nhiên, do thời tiết âm u, nắng mưa xen kẽ những ngày qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng, sâu bệnh như chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn,...phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ trên các giống lúa, như: Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111, TBR225, Nếp…. Do đó, để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế mức độ thiệt hại do sâu bệnh, dịch hại gây ra, ngành chuyên môn của huyện thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đánh giá mức độ sâu bệnh gây hại ở từng chân ruộng, qua đó phối hợp với các địa phương thông báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc lúa và phun phòng, trừ kịp thời, hiệu đối với bệnh khô vằn, khi đến ngưỡng phun, bà con nông dân cần sử dụng một trong các loại thuốc BVTV hiệu quả cao để phòng trừ bệnh như: Nevo 330EC, Nativo 750WG, Tilt super 300EC, Amistar top 325SC, Help 400WP, Newtec 300SC,...Đối với bệnh đạo ôn lá, bà con nông dân nên sử dụng một trong các loại thuốc có hiệu quả cao như: Angate 75WP, Filia 525SE, Beam 75WP, Bump 650WP, NewTec 300 SC, Ninja 35EC, Kasoto 20 SC,... nếu bệnh gây hại nặng, cần phun nhắc lại lần 2 sau lần một 3-5 ngày, luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, phun khi lá lúa khô sương và phun đẫm thân, lá lúa. Đặc biệt, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôn đốc nông dân tập trung ra đồng diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, thường xuyên, liên tục cả ngoài đồng và khu dân cư bằng các biện pháp thủ công như: Đào bắt, đánh bẫy, dùng thuốc, đặt mồi, không để ruộng khô, phát quang lùm bụi cây rập rạp, nhất là ở các khu vực gò đất cao, cồn, bãi để hạn chế nơi trú ngụ và sinh sản của chuột; diệt chuột đúng kỹ thuật, chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời khuyến cáo, nghiêm cấm nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm trong danh mục, dùng bẫy điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột.
.jpg)
Bà con nông dân các địa phương đang tích cực ra đồng chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa chiêm xuân
Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 3 hiện tượng mưa phùn, sương mù, ẩm ướt còn xuất hiện. Sang đầu tháng 4 sẽ xuất hiện những trận mưa giông, gió lớn, thời tiết rét nhẹ vẫn còn duy trì, sáng sớm và đêm có sương mù, mưa phùn, nhiệt độ tăng dần và xuất hiện các đợt nắng nóng xen kẽ mưa rào rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại, đặc biệt sẽ gây hại nặng trên các ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, thiếu nước, gieo cấy các giống nhiễm như: Thái Xuyên 111, TBR225, Nếp... và có khả năng gây cháy ổ cục bộ nếu không được phòng trừ kịp thời... Vì vậy, ngoài việc chăm sóc, đảm bảo điều tiết nguồn nước tưới dưỡng hợp lý cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo các địa phương không chủ quan, lơ là, phải thường xuyên thăm đồng để điều tra, dự tính dự báo các đối tượng dịch hại chính trên cây lúa để hướng dẫn bà con có biện xử lý kịp thời ngay khi sâu bệnh xuất hiện ở ngưỡng phun phòng, nhằm bảo vệ cây lúa phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực toàn huyện trong năm 2025 đã đề ra.