Những năm gần đây, diện tích cây khoai tây (Solanum tuberosum) trên địa bàn huyện Quảng Xương có xu hướng gia tăng cả về chủng loại và phạm vi trồng, cây khoai tây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, vừa là cây lương thực, vừa là cây thực phẩm, được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam khoai tây là một trong những cây thực phẩm quan trọng và đặc biệt là một cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, có giá trị thu nhập cao gấp từ 2-3 lần giá trị thu nhập so với cây lúa.
Bệnh sương mai là bệnh phổ biến và gây tác hại lớn nhất hiện nay tại các vùng trồng khoai tây. Bệnh gây hại nghiêm trọng và làm giảm năng suất khoai tây. Để phát huy hết tiềm năng năng suất, chất lượng sản phẩm từ cây khoai tây, đồng thời quản lý bệnh sương mai hiệu quả. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh sương mai như sau:
Triệu chứng: Bệnh gây hại trên các bộ phận trên và dưới mặt đất của cây như: lá, thân, rễ, củ.
Trên lá: Lúc đầu là một đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt, không có ranh giới rõ rệt ở mép lá. Sau lan vào phía trong phiến lá thành vết lớn, màu nâu đen, có ranh giới rõ rệt. Mặt dưới lá có lớp trắng xốp. Bệnh nặng làm toàn bộ phiến lá bị khô.
Trên thân cành: Vết bệnh không đều, có màu nâu, thâm đen, ngày càng lan rộng ra xung quanh và kéo dài dọc theo thân, cành, cuống lá. Vết bệnh bọc quanh từng đoạn thân, hơi lõm sâu. Thân cành bị bệnh tóp nhỏ lại, thối mềm và dễ gãy.
Trên củ: Vết bệnh không có hình dạng nhất định, có màu nâu - nâu xám, hơi lõm sâu vào bên trong. Cắt ngang chỗ bị bệnh thấy vỏ củ có màu nâu ăn sâu vào tới ruột củ theo những vệt nâu rõ. Sau một thời gian vết bệnh hình thành lớp nấm trắng xốp.
Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển:
Do nấm Phytophthora infestans gây ra.
Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết ẩm độ cao và nhiệt độ thấp, đặc biệt gây hại nặng vào mùa mưa.
Đầu tiên bệnh phá hại ở lá, sau đó đến thân và củ. Bào tử từ bộ phận trên mặt đất được nước rửa trôi thấm vào trong đất, tiếp xúc với củ qua vết thương, mắt củ. Củ càng gần mặt đất càng dễ bị bệnh. Củ khoai tiếp tục bị bệnh trong thời gian bảo quản.
![](/portal/Photos/2023-11-15/9860a8989c0de66d1%20(1).jpg)
Các vết bệnh trên lá khoai tây
Nguồn bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác thường bằng sợi nấm tiềm sinh ở trong củ bệnh và tàn dư cây bệnh.
Khi nhiệt độ xuống thấp từ 18-22oC, độ ẩm không khí cao bệnh phát triển mạnh.
Sự phát triển của bệnh còn chịu ảnh hưởng về mức độ phân bón, đặc biệt là phân hóa học, điều kiện canh tác và bảo quản khoai tây giống. Phân Kali làm tăng tính chống bệnh. Đất trũng, khó thoát nước bệnh có thể bị nặng hơn.
Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa loại bỏ các lá già, lá bệnh cho vào hố ủ phân và đậy kỹ bằng các nguyên liệu dày khác. Bởi vì bào tử vẫn có thể lan truyền từ hố ủ phân nếu hố bị mở.
Chọn củ giống không bị bệnh mới đem ra trồng.
Nên trồng mật độ vừa phải, chú ý trong mùa mưa. Bố trí hướng luống theo đông tây tạo điều kiện cho ánh nắng xuyên vào nhanh làm ráo những giọt sương trên lá ngăn ngừa bào tử nảy mầm.
Bón phân cân đối, bón lót là chính, bón thúc sớm, bón cân đối NPK.
![](/portal/Photos/2023-11-15/7daffddcc11f774d1%20(2).jpg)
Ngọn lá đọng sương là nơi bệnh tấn công dễ dàng nhất
Cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, đồng thời kết hợp sử dụng bộ thuốc BVTV chuyên dùng trên cây khoai tây, nằm trong danh mục thốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Khi bệnh chớm xuất hiện, cần dùng một số loại hoạt chất thuốc BVTV đặc trị như: Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil gold 68WG); Difenoconazole(Score 250EC); Chlorothalonil + Cymoxanil(Dipcy 750WP); Zineb(Zineb Bul 80WP); Fosetyl-aluminium (Aliette 800WG); Mandipropamid + Chlorthalonil(Revus Opti 440SC); Azoxystrobin + Chlorothalonil(Ortiva 600SC)... Sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật) nếu ruộng khoai bị bệnh nặng cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm lá và thân; phun vào lúc chiều mát, tránh ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của khoai tây./.