![](/portal/Photos/2024-12-25/5b1dc5d0b57d73dd2.jpg)
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn cá nuôi
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng, thủy văn Trung ương quốc gia, thời tiết trong vụ Đông Xuân năm 2024-2025 bị tác động bởi biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, có thể có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt thấp làm cho nhiều loại thủy sản nuôi bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng. Để hạn chế thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản vào mùa đông Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn cho bà con một số biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản như sau:
1.Các đối tượng nuôi cần phòng chống rét
- Các loài động vật thủy sản có nguồn gốc nhiệt đới, khả năng chịu rét kém như tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng…, cá rô phi, cá chim trắng nước ngọt, cá tra, ba sa, tôm càng xanh, cá bống tượng …;
- Các đối tượng nuôi thủy sản ở giai đoạn giống cần lưu qua đông
- Đàn tôm, cá bố mẹ nuôi vỗ sớm để cho sinh sản sớm vào đầu vụ như cá rô phi, cá chim trắng…
![](/portal/Photos/2024-12-25/5d85c07dcf49683d1.jpg)
Thả bèo tây trên mặt ao để che chắn gió
2. Chuẩn bị ao nuôi
Đối với ao nuôi
Ao chống rét cho vật nuôi thuỷ sản những tháng mùa đông cần chọn ao kín gió. Với hướng đông bắc, khi nạo vét đáy phải thiết kế phần đáy sâu hơn, trên bờ cần che chắn kỹ giúp vùng nước khu vực đó ấm hơn, đàn cá sẽ tự dồn về phía đông bắc tránh rét, giảm thiểu thiệt hại. Tuyệt đối không được đào sâu hướng nam, cá sẽ tập trung nhiều về hướng đó, khi gặp gió đông bắc, dễ khiến cá bị ngạt do thiếu ô xi.
Ao nên có diện tích vừa phải từ 500-1.000 m2, nằm ngang với hướng gió bắc, ao được cải tạo sạch sẽ, độ sâu nước trên 2 m, có nguồn nước sông ngòi sạch, cấp và thoát nước dễ dàng.
Đối với lồng bè trên sông
Di chuyển lồng đến nơi ít gió, hạ độ sâu đảm bảo độ sâu của lồng nuôi luôn ở mức > 2,5 m. Chủ động che phủ mặt lồng nuôi bằng nilon sáng màu hoặc bạt vào thời gian rét đậm, rét hại.
Treo túi vôi bột với lượng 5 - 10kg/túi hoặc viên TCCA với liều lượng 0,5kg/túi ở độ sâu bằng 1/3 -1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi. Thay sau 10-15 ngày treo hoặc khi vôi, hóa chất tan hết.
2. Chăm sóc, quản lý tôm cá trong mùa rét:
Chế độ cho ăn:
Thức ăn: Tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi mà dùng thức ăn phù hợp. Độ đạm tối thiểu >30%. Bổ sung vitamin C vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm cá với lượng dùng từ 3-5g/kg thức ăn. Tốt nhất là cho ăn thức ăn công nghiêp (TACN) phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm cá
Khẩu phần ăn: Khi nhiệt độ nước >20 độ: 3% trọng lượng cá (TLC)/2ngày;
Khi nhiệt độ từ 15-20 độ: 2%TLC/02ngày;
Khi nhiệt độ <15 độ: dừng cho ăn.
Thời điểm trước khi mùa đông đến cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và tăng khả năng chống chịu được với thời tiết lạnh kéo dài bằng cách cho cá ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Khi nhiệt độ nước xuống dưới 180C, nên giảm 1/2 lượng thức ăn cho cá ăn. Khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 140C cần ngừng cho cá ăn vì ở ngưỡng nhiệt độ đó động vật thủy sản gần như ngừng bắt mồi, nếu đưa thức ăn xuống sẽ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Khi nhiệt độ từ 140C trở lên, tranh thủ cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, bổ sung thêm vitamin C, B.complex vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá với lượng dùng từ 3 – 5g/kg thức ăn. Với thức ăn công nghiệp nên chọn loại cám có hàm lượng đạm cao từ 28% trở lên để giúp cá hồi phục sức khỏe sau thời gian chống rét.
Quản lý:
Quản lý môi trường:
Quản lý về nhiệt độ nước: Đảm bảo nhiệt độ nước ao >20 độ. Đảm bảo mực nước >1,5m; Che kín ao bằng bạt nilon, lá dừa… để tránh gió lùa đưa không khí lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp. Khi trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao, hồ che phủ kín bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao hoặc trồng chuối theo hàng về phía bắc để chắn gió;
Với tôm, cá: Dùng sọt rơm… làm nơi trú ẩn. Tạo một góc ao sâu về phía Bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Lúc trời rét cá, lươn… chui vào sọt tránh rét; Có thể đào hầm cạnh ao làm nơi trú ẩn cho tôm cá;
Với ếch: Làm hang cho ếch trú ẩn, hang làm bằng đất hoặc bằng các ống nhựa, ống tre, có một đầu rỗng, các ống này dài 0.5 – 0.6m, đường kính 0.15 -0.16m, bó thành từng bó 5 – 6 cái cho ếch chui vào trú, ống đặt ở góc hoặc thành bờ ao, trên ống dùng rơm rạ phủ để chắn gió cho ếch. Nếu nuôi trong bể xi măng dùng bạt hoặc túi nilon phủ kín mặt bể tránh rét cho ếch;
Gây màu nước cho ao: dùng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học gây màu nước nhằm hấp thụ tối đa nhiệt lượng mặt trời;
Dùng các biện pháp nâng nhiệt chủ động: hệ thống nâng nhiệt dùng than, điện hoặc năng lượng mặt trời;
Quản lý các yếu tố môi trường: theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường, đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp với sự tồn tại và phát triển của các đối tượng nuôi.
Quản lý sức khoẻ các đối tượng nuôi:
Tăng sức đề kháng cho các đối tượng nuôi thông qua cho ăn bổ sung thêm Vitamin C, B complex;
Phòng bệnh cho cá định kỳ 01tháng/lần bằng các loại thuốc phòng theo hướng dẫn cụ thể trên bao bì;
Định kỳ dùng vôi hoà nước té cho ao, liều lượng dùng là 5-7kg/sào/tháng;
Thả thêm một số đối tượng sống đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng các nằm đáy ao mà chết;
Khi nước ao bị ô nhiễm, sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi;
Trong suốt thời gian trú đông, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá, tránh cá bị xây xát dẫn đến bị nhiễm bệnh và chết.