Trước những diễn biến bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, ngành chức năng của huyện tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả cao cho hộ chăn nuôi
.jpg)
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện ước đạt 2.082.000 con
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện ước đạt 2.082.000 con, gấp 1,54 lần so với CK, trong đó, đàn trâu là 1 nghìn con, đàn bò 11 nghìn con, đàn lợn 70 nghìn con, còn lại là các loại gia cầm. Với số lượng đàn vật nuôi tương đối lớn, ngành chăn nuôi đã và đang có những đóng góp quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho bà con nhân dân hiểu về tính chất mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin phòng bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/03 đến ngày 30/03/2023 toàn huyện sẽ tiến hành chiến dịch tiêm phòng vacxin đại trà đợt 01/2023 cho đàn gia súc, gia cầm, với mục tiêu phấn đấu tổng đàn được tiêm phòng đạt trên 80% kế hoạch đề ra; sau khi kết thúc đợt tiêm phòng chính vụ, các địa phương tiếp tục tổ chức đợt tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh đến diện tiêm. Các loại vác xin bắt buộc tiêm như: Đối với đàn trâu, bò, dê, tiêm vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục; đối với đàn lợn, tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, bệnh Tai xanh, bệnh Lép tô, Phó thương hàn; đối với đàn chó, mèo tiêm vác xin phòng Dại; Đối với đàn gia cầm, tiêm các loại vác xin Newcastle, Dịch tả vịt, Tụ huyết trùng, A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8...Ngoài ra, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động trong việc tiêm vác xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình, nhằm tăng sức đề kháng, để con nuôi phát triển khỏe mạnh, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người. Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân hiểu việc chấp hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với hộ cá nhân, tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm; các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành.
.jpg)
Toàn huyện phấn đấu đưa tỷ lệ tiêm phòng vac xin đợt 1 năm 2023
cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ 80% trở lên để bảo vệ tốt đàn vật nuôi
Là một trong những hộ có tổng đàn gia súc, gia cầm nuôi hàng năm lớn, chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Tiên Vệ, xã Quảng Định luôn nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác tiêm vác xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Chính vì vậy, hàng năm khi UBND xã triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, gia đình chị Hà luôn chấp hành nghiêm túc. Chị Hà cho biết: Gia đình chị chủ yếu phát triển chăn nuôi bò và các loại gia cầm gà, vịt. Theo kinh nghiệm chăn nuôi, cùng với công tác vệ sinh, khử trùng chuồng trại sạch sẽ, tăng cường bổ sung nguồn thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chị Hà thực hiện nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin phòng chống dịch bệnh theo định kỳ. Nhờ vậy, đàn vật nuôi hàng năm của gia đình chị luôn phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ thực hiện nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin phòng bệnh theo định kỳ nên đàn vật nuôi
của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Tiên Vệ, xã Quảng Định phát triển khoẻ mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao
Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng, các địa phương và sự đồng tình cao của người chăn nuôi trong việc phòng chống các loại dịch bệnh, sẽ góp phần bảo vệ tốt đàn vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.