
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm thị trấn Tân Phong
Trong những năm qua, huyện Quảng Xương đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân và hướng tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã tập trung tích tụ đất đai đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường vào sản xuất; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Qua đó, đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...Những chính sách phát triển đồng bộ đang đặt nền móng để huyện Quảng Xương đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được 310 ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và hình thành 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm 7 chuỗi lúa, gạo; 6 chuỗi thịt gia súc, gia cầm và 6 chuỗi thủy sản. Trong chăn nuôi, toàn huyện đã có 24 trang trại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP thực hiện liên kết với các công ty tiêu thu sản phẩm, như mô hình nuôi thỏ được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam; mô hình gà thương phẩm, trứng được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty gia công CB Việt Nam…Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Cùng với đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bàn toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường. So với sản xuất truyền thống, tùy theo từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% ha và sản lượng tăng 20 đến 25%.

Mô hình trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Lê Văn Lợi, thôn Én Giang, xã Quảng Hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao
Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Lê Văn Lợi, thôn Én Giang, xã Quảng Hợp, khu chuồng trại được đầu tư khá bài bản. Ông Lợi cho biết: Năm 2016, được UBND xã Quảng Hợp tạo điều kiện cho thầu 12 nghìn m2 diện tích đất vùng trũng, ông Lợi đã mạnh dạn mua thêm 10 nghìn m2 đất của các hộ xung quanh để cải tạo, đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt. Để tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, nhằm mang lại lợi nhuận cao, ông Lợi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại theo quy mô khép kín, vận hành bằng máy tự động công nghệ cao của Cộng hòa Liên bang Đức với các thiết bị đảm bảo độ chuẩn về các thông số kỹ thuật, có giàn mát, quạt thông gió để kiểm soát nhiệt độ ổn định vào mùa hè và lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông; máng ăn, nước uống tự động, tự điều chỉnh định lượng khẩu phần ăn phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của gà. Nhờ đầu tư bài bản về chuồng trại, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, nên trung bình một năm ông Lợi đưa vào nuôi 4 lứa gà, mỗi lứa đạt khoảg 25 nghìn con, cung cấp ra thị trường khoảng 350 tấn thịt gà thương phẩm và cho thu lãi gần 400 triệu đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động địa phương
Hay như mô hình sản nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm của gia đình anh Trần Văn Tân, ở khu phố Dục Tú, thị trấn Tân phong. Anh tân cho biết: Năm 2017, được sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện, chính quyền địa phương, anh Tân đã mạnh dạn chuyển đổi 5,5 ha đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng như: dưa Taki, dưa chuột Baby... Ngoài khu trồng dưa, anh Tân xây dựng thêm khu nhà kính trồng rau thủy canh, cải ngọt, xà lách, rau muống và một số loại rau cao cấp như: Rau chân vịt, cải xoăn Kale, rau Mizuna Nhật Bản... Quy trình sản xuất các loại rau được áp dụng theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm của Queen Farm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR Code, hướng tới xây dựng thương hiệu GlobalGAP. Năm 2021 khi có nguồn nguyên liệu ổn định, ôngTrần Văn Tân tiếp tục đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má được chuyển giao theo công nghệ từ Nhật Bản, với công suất 1 tấn rau má tươi/ngày, các sản phẩm gồm bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi. Sản phẩm của công ty được bày bán tại cửa hàng, hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các trường học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu. Không những thế, Queen Farm hiện là một trong những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục thu hút đông đảo du khách tới tham quan, học hỏi. Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trong nhà màng, nhà kính, vùng sản xuất lúa gạo chất lượng, vùng chăn nuôi vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng nuôi trồng thủy sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Đây chính là những yếu tố quan trọng để huyện Quảng Xương hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. /.