.jpg)
Sàn thương mại điện tử Buudien.vn Sendo
Thế mạnh chính của nền nông nghiệp huyện Quảng Xương là được biết đến với nhiều loại nông sản chất lượng như lúa gạo, rau củ quả, thủy sản…. Tuy nhiên, giống như nhiều vùng nông thôn khác, Quảng Xương đang gặp thách thức lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản do sự phụ thuộc vào các kênh bán hàng truyền thống và chưa tận dụng được tiềm năng của thương mại điện tử (TMĐT).
Phần lớn nông dân tại Quảng Xương vẫn chưa quen với việc sử dụng các nền tảng TMĐT để bán sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Người dân còn hạn chế kiến thức về công nghệ: Nhiều nông dân vẫn còn lúng túng trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, smartphone, và chưa biết cách truy cập các sàn TMĐT để đăng bán sản phẩm.
- Hạ tầng vận chuyển ở các vùng nông thôn tại một số xã, thị trấn chưa phát triển đầy đủ, làm cho việc giao hàng và đảm bảo chất lượng nông sản khi vận chuyển gặp khó khăn.
- Người dân vẫn lo ngại về sự an toàn và minh bạch khi thực hiện giao dịch qua mạng, cũng như vấn đề thanh toán trực tuyến….
.jpg)
Sàn thương mại điện tử Buudien.vn
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng TMĐT là một hướng đi đầy tiềm năng cho nông sản Quảng Xương, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến. Việc tham gia vào các sàn TMĐT không chỉ giúp nông dân tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn mà còn giảm sự phụ thuộc vào trung gian, giúp tăng thu nhập và ổn định giá bán.
Để thúc đẩy đưa nông sản trên địa bàn Huyện lên sàn TMĐT cần có sự phối hợp đồng bộ từ người dân cũng như các xã, thị trấn trên địa bàn như:
Đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân: Giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức và kỹ năng về công nghệ cho người dân. Chính quyền địa phương cần tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo về cách thức sử dụng các sàn TMĐT, kỹ năng tiếp thị trực tuyến và cách bảo quản sản phẩm khi bán qua mạng.
Đầu tư vào hạ tầng logistics: Các xã, thị trấn cần quan tâm tới việc cải thiện hệ thống vận chuyển và logistics là điều cần thiết để hỗ trợ bán hàng qua TMĐT như hỗ trợ người dân xây dựng các kho lạnh, trạm trung chuyển hiện đại, đảm bảo nông sản không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Việc hợp tác với các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ giúp giảm chi phí và thời gian giao hàng.
Liên kết với các sàn thương mại điện tử: Hiện tại, nhiều sàn TMĐT lớn ở Việt Nam đã cung cấp các dịch vụ dành riêng cho việc tiêu thụ nông sản. Người nông dân tại Quảng Xương có thể sử dụng các sàn sau đây để mở rộng thị trường tiêu thụ:
+ Buudien.vn (trước đây là Postmart): Sàn thương mại điện tử Buudien.vn giờ đây tạo ra không gian trực tuyến cho các hoạt động nghiên cứu, giới thiệu, trưng bày, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu, hợp tác sản xuất, kinh doanh…. Đây là nơi để người mua và người bán trực tiếp giao thương, giảm bớt khâu trung gian, tránh phụ thuộc vào thương lái và mang lại lợi nhuận cao hơn, đồng thời còn là nơi để các doanh nghiệp truy cập, tìm nguồn hàng minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu… với nhiều thông tin hữu ích và tiết kiệm thời gian công sức (Website: https://buudien.vn/)
+ Sendo: Một sàn TMĐT phổ biến ở Việt Nam, Sendo có riêng một mục dành cho các sản phẩm nông sản. Nền tảng này có giao diện thân thiện với người dùng và hỗ trợ quảng bá sản phẩm (Website: https://www.sendo.vn/)
+ Lazada: Lazada là một trong những sàn TMĐT hàng đầu tại Đông Nam Á, cung cấp một kênh bán hàng hiệu quả cho các sản phẩm nông sản Việt Nam (Website: https://www.lazada.vn/nong-san-vang/)
.jpg)
Sàn thương mại điện tử Lazada
Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn hóa sản phẩm: Các xã/trị trấn hỗ trợ người dân trong việc xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn hóa để tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ giúp nông sản tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng một thương hiệu mạnh cũng giúp nông dân gia tăng giá trị sản phẩm và thu hút người mua.
Xây dựng kênh hỗ trợ kỹ thuật: Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp có thể thành lập các tổ hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sử dụng TMĐT, từ cách đăng bán sản phẩm đến quản lý giao dịch và xử lý đơn hàng. Điều này sẽ giảm bớt khó khăn cho nông dân khi lần đầu tiếp cận hình thức kinh doanh mới.
Thương mại điện tử là một giải pháp đầy triển vọng cho việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại huyện Quảng Xương. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kỹ năng, hạ tầng và lòng tin của người dân, nhưng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nền tảng TMĐT lớn, nông sản Quảng Xương hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các sàn TMĐT sẽ tạo ra cơ hội lớn để phát triển nông sản Quảng Xương theo hướng hiện đại và bền vững.