
Hiện nay trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Đoàn Đình Phúc, thôn Thượng Đình, 2 xã Quảng Định đang tập trung tái đàn, tăng đàn đàn mới để phục vụ thị trường cuối năm
Để bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ thị trường cuối năm, đạt mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang tích cực tăng đàn, tái đàn, chăm sóc và vỗ béo cho đàn vật nuôi. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cân đối cung cầu, nhằm góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025
Chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đang dồn lực tái đàn, tăng đàn. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 5.000 con trâu bò, trên 20.000 con lợn và trên 1 triệu con gia cầm. Theo người chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; trong khi đó, giá các sản phẩm chăn nuôi từ giữa năm bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Đây là những yếu tố để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, tăng đàn. Ngành Nông nghiệp cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong chăn nuôi để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
Là một trong những hộ chăn nuôi gà với quy mô lớn trên địa bàn huyện, thời điểm này, trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Đoàn Đình Phúc, thôn Thượng Đình 2, xã Quảng Định đang tập trung tái đàn, tăng đàn đàn mới để phục vụ thị trường cuối năm. Anh Phúc cho biết: Việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Nhằm phục vụ dịp tết năm nay, tôi nuôi hơn 15.000 con gà. Đối với con giống, sau khi kiểm định chất lượng sẽ nuôi cách ly ít nhất hai tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Để đàn gà lớn nhanh, đạt trọng lượng tốt, điều kiện đầu tiên là khâu chọn giống, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh; bên cạnh đó, nguồn thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng. Việc ra vào khu vực chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người ra vào; tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin nguy hiểm theo định kỳ, như dịch tả, cầu trùng, đặc biệt là cúm cho đàn gà; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng, nhất là thời điểm xuất bán và nhập nuôi lứa mới. Ngoài ra cần bổ sung vitamin cho gà qua đường nước để gà tăng sức đề kháng cho gà khỏe mạnh, lớn nhanh…

Các địa phương chú trọng công tác tiêm phòng vác xin, phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển mạnh
Không chỉ gia đình anh Phúc, hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tái đàn, tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là thời điểm, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi dẫn đến sức đề kháng kém, dễ bị các loại vi rút tấn công, dịch bệnh trên đàn gia cầm nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh như: lựa chọn con giống đảm bảo, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin… để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi cần được người chăn nuôi chú trọng. Bên cạnh sự chủ động của người dân, huyện đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ, trang trại chăn nuôi tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường. Đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chănn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất; nhập con giống rõ nguồn gốc, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia cầm...; tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường, chủ động tăng, giảm số lượng đàn vật nuôi, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tích cực theo dõi diễn biến thời tiết, để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc...
Hy vọng rằng, với những giải pháp đã và đang được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn triển khai đồng bộ, cùng sự chủ động từ người dân, ngành chăn nuôi của huyện sẽ phát triển ổn định, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là vào dịp cuối năm.