.jpg)
Gieo mạ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật giúp cây mạ phát triển tốt
Vụ Xuân năm 2025, huyện Quảng Xương gieo cấy theo kế hoạch 6.300 ha lúa, trong đó huyện cơ cấu gieo cấy 95% diện tích trà Xuân muộn và 5% trà Xuân chính vụ. Để giúp cây mạ vụ Xuân sinh trưởng phát triển thuận lợi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương hướng dẫn một số biện pháp quản lý ruộng mạ vụ Xuân năm 2025 như sau:
Chăm sóc mạ dược:
Thời vụ gieo mạ vụ Xuân: Đối với trà Xuân muộn tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống gieo tập trung từ 10-20/1/2025; trà Xuân chính vụ gieo mạ tập trung từ 15/12-20/12/2024.
Làm đất: Chọn ruộng nơi khuất gió, nhất là gió đông bắc. Cày bừa kỹ, bón lót 2-3 tạ phân chuồng hoai mục + 10-15 kg supe lân + 5-7 kg NPK loại 5-10-3, hoặc 6-11-2 + 2-3kg đạm ure + 2-3kg Kali clorua cho 1 sào Bắc trung bộ (500 m2).
Lên luống rộng 1,2 -1,4 m (mặt luống rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào độ rộng của nilon che phủ). Khi đã san phẳng mặt luống, dùng ni-lon đã chọc thủng nhiều lỗ, hoặc bao xác rắn rải lên mặt luống, sau đó phủ một lớp bùn dày khoảng 2-2,5 cm bón phân lên mặt luống, xoa đều phân với lớp đất bùn rồi gieo mạ.
Gieo mạ: Gieo mạ thưa để cây mạ to khỏe, chú ý gieo mạnh tây để mộng mạ chìm xuống bùn giúp giữ ấm chân mạ, giảm tác động xấu khi thời tiết thay đổi nắng, mưa, lạnh. Nên gieo khoảng 20-25kg giống lúa lai/sào; 30-35kg giống lúa thuần/sào, nên chia lượng giống ra làm 2-3 lần gieo thì mật độ sẽ đồng đều.
Nước: Ở thời kỳ mạ non (từ gieo đến 3lá), mặt luống cần được giữ ẩm để rễ phát triển thuận lợi. Khi mạ có 4 lá đến nhổ cấy tùy theo thời tiết và sinh trưởng của mạ để quyết định chế độ tưới nước. Khi cần chỉ tưới nước vào rãnh để luống mạ đủ ẩm. Trước khi nhổ có thể tưới trước 5-7 ngày cho đất mềm, dễ nhổ, tránh đứt rễ.
Bón phân: Bón thúc vào thời kỳ mạ 3-4 lá, nên hòa loãng lân và kali để tưới, theo tỷ lệ 2kg supe lân + 1kg kali/sào, trước khi nhổ cấy 3-5 ngày, có thể bón tiễn chân giúp cây mạ ra rễ mới. Chú ý, không nên bón đạm thúc cho mạ trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, không đanh dảnh, chống chịu kém, rất dễ chết khi cấy ra ruộng gặp rét.
Phòng chống rét: Dùng các giống chịu rét. Gieo đúng thời vụ, gieo vào lúc trời ấm, gieo mật độ dày, tăng phân chuồng và lân, không bón đạm vào lúc trời rét, điều tiết nước và che phủ Nilon cho mạ trong những đợt rét.
Phòng chống mạ già, mạ ống: Mạ đông xuân rất mẫn cảm với nhiệt độ. Cần đề phòng mạ ống khi thời tiết ấm, nhiệt độ bình quân trên 200C kéo dài và tổng tích ôn đạt 500 0C. Điều kiện đất tốt, nước nhiều, gieo dày cũng dẫn tới mạ ống.
Biện pháp chống mạ già và ống: Rút nước để ruộng mạ khô, không bón đạm, bố trí thời vụ thích hợp và tránh tình trạng “mạ chờ ruộng”.
Phòng chống sâu bệnh cho mạ: Tiến hành phòng trừ khi sâu bệnh phát sinh rộ, khi có thông báo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cán bộ nông nghiệp địa phương.
Tiêu chuẩn mạ tốt: Mạ cứng cây, khỏe, tỉ lệ bẹ/lá cao, đanh dảnh, màu sắc lá xanh vàng, tỉ lệ C/N thích hợp, mạ không bị ống, có sức ra rễ mạnh và không có sâu bệnh.
Đúng tuổi: Tuổi mạ cấy tùy thuộc vào giống, thời vụ và phương pháp làm mạ. Để tính tuổi mạ có thể dùng ngày tuổi hoặc số lá. Thí dụ, ở vụ mùa tính tuổi mạ theo ngày tuổi, còn ở vụ đông xuân theo số lá (mạ dược 5-6 lá, mạ sân hoặc mạ trên nền đất cứng 2-3 lá).
.jpg)
Gieo mạ tập trung, đồng bộ đảm bảo khung lịch thời vụ
Chăm sóc mạ sân:
Là giải pháp tình thế trước đây để khắc phục hiện tượng thiếu mạ trong vụ Xuân, do thời tiết rét đậm kéo dài, mạ dược bị chết nhiều. Song hiện nay biện pháp này đã trở thành tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi. Làm mạ sân hay mạ trên nền đất cứng không phức tạp chỉ cần chọn được nền đất cứng (bờ mương, ven đường, sân, vườn..), làm cho mặt đất phẳng, rải một lớp bùn hoặc đất bột mỏng lên sân hay nền đất cứng (Nếu đất xấu nên trộn thêm với phân chuồng hoai mục đã được ủ với lân để đảm bảo dinh dưỡng cho mạ), gieo hạt đã xử lí, ngâm ủ, nảy mầm đều.
.jpg)
Thực hiện che phủ Nilon 100% khi thời tiết rét đậm, rét hại đảm bảo cho ruộng Mạ vụ đông xuân phát triển thuận lợi
Lượng gieo: 1,0-1,5 kg hạt giống/m2. Đối với mạ sân, sau khi gieo hạt cần đặc biệt điều tiết nước và giữ ẩm cho mạ. Số lần tưới nước phụ thuộc vào nhiệt độ và cường độ ánh sáng trong ngày. Tưới ẩm thường xuyên ngày đầu, mỗi ngày tưới một lần, những ngày tiếp theo 2-3 ngày tưới/lần bằng thùng ô doa lỗ nhỏ, che Nilon tránh gió lạnh. Khi mạ 2,5-3 lá là nhổ cấy được./.