.jpg)
Chuẩn bị quây úm trước khi đưa gà con vào nuôi
Úm gà con là công việc cần thực hiện đối với gà mới nở từ 1 – 28 ngày tuổi. Đặc biệt khi thời tiết vào thu, đông và xuân, nhiệt độ và độ ẩm từ môi trường có biến động dài. Hoạt động úm gà giúp gà con có thân nhiệt ổn định, hỗ trợ phát triển tốt ở giai đoạn sức đề kháng kém. Để đàn gà phát triển khỏe mạnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn bà con cách úm gà con trong mùa lạnh, mùa đông, mùa mưa như sau:
1. Quây úm.
Sử dụng các tấm quây (cót ép, tôn ...) với chiều cao 50 - 70 cm, quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 m, nuôi úm 100 - 200 con.
Chất độn chuồng (trấu, mùn cưa ...) nên đổ dày đều 5 - 7 cm để giữ ấm cho đàn gà. Từ ngày thứ 5, tăng diện tích quây úm để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Đàn gà non cần được phân bổ đồng đều vào các khu vực nuôi quây úm ngay sau khi xuống chuồng, thời gian quây úm thông thường kéo dài từ 30 đến 35 ngày tuổi, tùy theo giống.
2. Chuồng nuôi .
* Chuồng nuôi úm:
Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:
+ Nếu đàn gà tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.
+ Nếu đàn gà tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.
+ Nếu đàn gà tụm lại một phía là bị gió lùa, cần phải che kín hướng gió thổi.
+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.
- Thiết bị sưởi ấm: Có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng; lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến đàn gà).
- Yêu cầu về nhiệt độ:
Ngày tuổi
|
Nhiệt độ tại quây úm (0C)
|
Nhiệt độ chuồng nuôi (0C)
|
0-3
|
37
|
31 - 32
|
4-7
|
35
|
31 - 32
|
8-14
|
32
|
29 - 30
|
15-30
|
29
|
28 - 29
|
Trên 30 ngày tuổi
|
|
21 - 28
|
Lưu ý: Sau thời gian nuôi quây úm cần tiếp tục duy trì các thiết bị sưởi ấm đảm bảo nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn đạt theo yêu cầu sinh trưởng, phát triển của đàn gà.
* Chuồng nuôi gà sau úm:
Chuồng nuôi cần được tu sửa, che chắn để đảm bảo kín gió. Lỗ thông gió nên đặt ở tầm vừa phải, không nên thấp quá bởi như vậy gió lùa vào gà sẽ rất dễ bị ốm. Cần phát quang bụi rậm xung quanh khu vực chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.
Chuồng nuôi nên được ngăn ra làm từng ô nhỏ để thuận tiện cho việc sưởi ấm, tránh để gà trong diện tích lớn sẽ gây khó khăn trong việc sưởi ấm, giữ ấm cho gà.
.jpg)
Gà con được úm với nhiệt độ thích hợp
3. Độ thông thoáng.
Chuồng úm đàn gà 1 ngày tuổi phải che kín, khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm đàn gà chậm phát triển.
4. Mật độ.
Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn: 20 - 40 con/m2
Mật độ nuôi vận dụng trên sàn: 25 - 50 con/m2
5. Chăm sóc nuôi dưỡng.
- Nước uống: Nước cung cấp cho đàn gà uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng. Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho đàn gà con dễ tiếp cận, và có độ cao phù hợp, không bị máng ăn che khuất.
- Thức ăn và kỹ thuật cho ăn: Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống.
+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để đàn gà dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 đàn gà con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài cho hợp vệ sinh.
* Lưu ý: Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai đàn gà để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.
+ Kiểm soát thức ăn: Thức ăn nuôi gà con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.
+ Kỹ thuật cho ăn: Cần cho đàn gà ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của đàn gà.
6. Thú y phòng bệnh.
- Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gà.
- Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho đàn gà bằng vắc-xin. Tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho đàn gà vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho đàn gà và đáp ứng miễn dịch tốt hơn./.