
Mô hình nuôi ong của gia đình ông Dương Văn Tứ, ở thôn 2, xã Tiên Trang cho hiệu quả kinh tế cao
Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể huyện tập trung thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, nhất là các mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế đạt hiệu quả, qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện đã thu hút, khích lệ đông đảo hội viên, nông dân và nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tham gia thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong đó có mô hình nuôi ong của gia đình ông Dương Văn Tứ, ở thôn 2, xã Tiên Trang. Nhờ lợi thế gần núi, đất vườn rộng, ông Tứ đã mạnh dạn phát triển kinh tế bằng nghề nuôi ong lấy mật, bán giống; nhờ thực hiện chăn nuôi ong theo quy trình VietGap từ khâu chăm sóc, lấy mật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chất lượng mật ong của gia đình ông Tứ được nhiều người biết đến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 80 đàn ong, mỗi năm gia đình ông thu hoạch gần 600 lít mật, giá bán cho thị trường từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/ lít. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Tứ còn bán dụng cụ nuôi ong, giống ong và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu; bình quân mỗi năm ông bán từ 35 đến 40 đàn ong với giá 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/ đàn. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi ong của gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/ năm. Tháng 7/2024 sản phẩm mật ong của Ông Tứ đã được công nhận OCOP 3 sao.

Trung bình một tháng sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Lê Chí Lợi, ở thôn Thọ Thái, xã Quảng Ninh cho thu lãi trên 100 triệu đồng
Còn đối với gia đình ông Lê Chí Lợi, ở thôn Thọ Thái, xã Quảng Ninh đã biến vùng đất cấy lúa kém hiệu quả thành trang trại tổng hợp với 27 nghìn m2 để nuôi gà đẻ trứng, trồng cây ăn quả và đào ao thả cá…Nhờ áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong khâu chăm sóc nên đàn gà đẻ cũng như gà hậu bị của gia đình ông Lợi phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, cho năng suất trứng tốt và đảm bảo được yêu cầu phòng dịch. Với 15 nghìn con gà mẹ đẻ trứng, trung bình mỗi ngày, ông Lợi thu về trên 10 nghìn quả trứng, với giá bán khoảng 3 nghìn đồng/quả. Với chất lượng tốt, an toàn, quy trình sản xuất trứng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, kế tiếp là công đoạn rửa trứng, sấy khô, soi tìm trứng hư, bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng, in nhãn hiệu và ký hiệu truy xuất nguồn gốc đến đóng hộp thành phẩm nên năm 2022, trứng gà của ông Lợi được UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Với đầu ra và giá cả tương đối ổn định, bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng cho ông Lợi cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại tổng hợp của ông Lợi còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 7 triệu đồng/ người/ tháng.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, hiệu quả, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã triển khai nhân rộng mô hình dân vận khéo trên địa bàn huyện. Nổi bật là mô hình dân vận khéo về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chủ yếu tập trung vận động Nhân dân tích tụ ruộng đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, kinh doanh, trồng trọt chăn nuôi. Từ các mô hình làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm của người nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đến nay, toàn huyện đã có 35 sản phẩm xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP 3, OCOP 4 sao như: sản phẩm Ốc nhồi Thiên Bảo, bánh răng bừa Nga My ở thị trấn Tân Phong; bánh nhãn Hồng Lĩnh xã Quảng Lưu; nem chua Xuân Ưng ở xã Quảng Yên; mật ong ông Tứ xã Tiên Trang; Rạm xay, Cáy xay của xã Quảng Phúc; Miến gạo Dung Tháp của xã Quảng Đức; Bánh nhãn Lâm Phương của xã Quảng Trạch; Giò lụa Nhân Huệ ở xã Quảng Ngọc; Nem chua Minh Anh xã Quảng Đinh; Trứng gà Lợi Hoa xã Quảng Ninh...Các mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, tạo động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.
Phong trào thi đua dân vận khéo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện./.