.jpg)
Cây dưa hấu giai đoạn ra hoa
Giai đoạn ra hoa, đậu quả cây dưa hấu cũng như các loại cây trồng khác đều yêu cầu phải chăm sóc và bón phân thật kỹ lưỡng, đây là thời kỳ cây bước vào giai đoạn sinh trưởng sinh thực, nhưng vẫn cần phát triển các cơ quan sinh trưởng rất mạnh nên nhu cầu cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng dinh dưỡng sớm, mạnh và ra hoa tập trung, từ đó quyết định số lượng và chất lượng hoa, trái cũng như năng suất cây trồng. Để giúp người sản xuất dưa hấu tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Sử dụng phân bón: Dưa hấu cần nhiều đạm, lân và kali, trong đó đạm có tác dụng giai đoạn đầu giúp cây phát triển tốt, nếu cuối kỳ bón nhiều phân đạm sẽ làm cho quả phát triển nhanh, năng suất có thể cao, nhưng quả nứt ngay trên ruộng, quả tích lũy nhiều nước làm giảm lượng đường trong quả, phẩm chất quả kém và dễ bị thối sau khi thu hoạch; lân giúp rễ phát triển tốt, cho nhiều chồi mập, khỏe và cây sẽ cho quả sớm; kali giúp quả ngọt, ruột chắc, vỏ cứng dễ vận chuyển đi xa.
Cây dưa hấu sau khi trồng 20-25 ngày sẽ bắt đầu ra hoa, cần tiến hành tưới phân bón vào gốc với lượng 4kg đạm ure +4-5kg kali clorua/sào; trước khi cây ra hoa bón vào gốc với liều lượng 1kg ure + 1kg kali clorua/sào(500m2); bón thúc nuôi quả (sau khi đậu quả): bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần hoặc bón vào gốc, với liều lượng 1kg ure + 1kg kali clorua/sào(500m2)/lần; kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh cho cây dưa hấu ở giai đoạn ra hoa giúp cây khỏe mạnh, có đầy đủ dinh dưỡng cho cây phân hóa mầm hoa, hình thành hoa, ra hoa nhiều, cuống hoa to, khỏe; đặc biệt giai đoạn trước khi ra hoa, dưỡng quả, sử dụng phân bón lá, chế phẩm sinh học chuyên dùng trên cây dưa hấu định kì 7 ngày 1 lần; kết thúc bón phân trước thu hoạch 10 ngày.
.jpg)
Ruộng dưa hấu tại xã Quảng Lưu
Tưới nước: Có thể tưới đều trên mặt luống hoặc tưới rãnh cho cây dưa hấu trong giai đoạn này, tưới 1lần/tuần, tùy theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở từng nơi, từng thời vụ mà có thể giảm số lần tưới cho phù hợp; tuyệt đối không tưới nước trực tiếp vào gốc hoặc trên lá vì làm như vậy có thể khiến cây dưa hấu dễ nhiễm nấm bệnh.
Ghim dây, tỉa nhánh: Khi dây dài từ 40-50cm tiếp tục dùng que tre cố định dây tránh để các dây chồng chéo lên nhau, để một dây chính và 1-2 dây phụ từ những nhánh to khỏe ra sớm nhất, tính từ gốc lên trên tỉa bỏ các nhánh khác, 20-25 ngày sau trồng thì sửa dây bò vuông góc với mặt luống.
Thụ phấn nhân tạo: Đây là một trong những bước quan trọng không thể thiếu trong quá trình canh tác dưa hấu, giúp cho hoa đậu nhiều, trái có độ đồng đều cao, dễ chăm sóc; thụ phấn nhân tạo sẽ được tiến hành khi hoa nở rộ, dây dưa dài khoảng 1,5m (khoảng 35-40 ngày sau gieo hạt). Quá trình này sẽ được diễn ra trong 4-7 ngày vào 7-9h sáng, chọn nụ cái to để thụ phấn bổ sung (các hoa thứ 2,3 4 thường là hoa cái to) dùng hoa đực mới nở, to, tốt, có nhiều phấn, sau đó ngắt bỏ cánh hoa và chấm phấn đều lên đầu nhụy của hoa cái vừa mới nở; mỗi cây chỉ thụ phấn cho 2-3 hoa. Khi quả bằng quả chanh tiến hành lựa quả, mỗi cây chỉ để 1-2 quả. Sau khi để quả 7-10 ngày sửa lại vị trí quả, để quả phát triển tròn đều, có màu sắc đẹp.
Sâu bệnh gây hại giai đoạn cây dưa hấu ra hoa:
Sâu hại: Bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ là những tác nhân gây hại mạnh nhất giai đoạn này, đây là loại côn trùng có khả năng kháng thuốc rất cao, nếu không có biện pháp phòng ngừa và xử lý đúng cách, cây sẽ cho hoa ít, kém chất lượng, khả năng đậu quả thấp, ảnh hưởng đến năng suất hiệu quả kinh tế.
Bệnh hại: Thán thư, nứt thân chảy nhựa, sương mai, héo rũ là những bệnh gây hại xuyên suốt trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây dưa hấu. Đặc biệt, trong thời kỳ ra hoa, nếu cây bị các tác nhân gây bệnh này tấn công, sẽ khiến hoa rụng, số lượng hoa ít, giảm khả năng đậu quả, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Biện pháp trừ sâu bệnh hại: Thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện sớm sâu bệnh hại, khi cây dưa hấu bị sâu bệnh gây hại bà con cần sử dụng các loại thuốc BVTV nằm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; phun thuốc trừ sâu khi mật độ sâu đến ngưỡng gây hại kinh tế trên 10 con/m2; phun trừ bệnh bằng bộ thuốc BVTV đặc trị nấm kết hợp dòng thuốc kháng sinh để phun khi bệnh chớm xuất hiện, nếu bị bệnh nặng cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”( Đúng thuốc; đúng nồng độ liều lượng; đúng lúc và đúng cách), luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, lưu ý phun ướt đẫm lá và thân gốc cây.
Thu hoạch: Dưa được thu hoạch có độ chín 80-90%, khoảng 60-70 ngày sau khi trồng tùy thuộc vào điều kiện vận chuyển đến thị trường tiêu thụ xa hay gần. Thường khoảng 25-30 ngày sau khi kết thúc thụ phấn. Cần ngưng việc tưới nước 5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để dành được lâu và ít bị bể khi vận chuyển; dừng phun thuốc bảo vệ thực vật và tưới phân 10-12 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.