
sâu đục thân hại trên bắp
Sâu đục thân, đục bắp cây ngô (Ostrinia nubilalis), là một trong những loài dịch hại nguy hiểm đối với cây ngô hiện nay. Chúng thường gây hại khá nặng và rất phổ biến, đây là đối tượng đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác phòng trừ của bà con nông dân trồng ngô trên địa bàn huyện. Để giúp bà con nhận biết và phòng trừ sâu đục thân ngô có hiệu quả Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn cụ thể như sau:
* Đặc điểm hình thái
Con sâu đục thân trưởng thành giống cái dài khoảng 13-15mm, sải cánh rộng khoảng 30mm, cánh trước màu vàng nhạt. Con đực nhỏ hơn, mầu nâu vàng. Chúng hoạt động về đêm, ban ngày thường ẩn nấp trong bẹ lá hay trong nõn lá non. Con cái đẻ trứng thành từng ổ gần gân chính ở mặt sau của những lá bánh tẻ, mỗi ổ vài chục trứng, đôi khi trên trăm trứng. Một con cái có thể đẻ 300-500 trứng (cá biệt trên 1.000 trứng), khi mới đẻ trứng có mầu trắng sữa.
Sâu có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây ngô, nhưng thường hại nhiều nhất từ khi cây trỗ cờ đến hình thành bắp. Sâu non có 5 tuổi. Khi còn nhỏ sâu cắn nõn lá non hay cuống hoa đực, khi lá mở ra sẽ thấy trên lá có những lỗ thủng đều nhau, nếu nặng có thể làm rách lá. Khi lớn, sâu đục vào cắn phá phần mô mềm bên trong thân cây (quan sát sẽ thấy trên thân cây có nhiều lỗ thủng, xung quanh bám nhiều cục phân sâu), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng và nước trong cây, làm cho cây suy yếu, còi cọc, phát triển kém, giảm năng suất và phẩm chất hạt, khi gặp gió to cây có thể bị gẫy ngang, nếu gặp mưa bắp bị hại có thể bị thối.
Ngoài thân lá, sâu còn đục vào cuống hoa đực làm hoa bị chết khô không còn hạt phấn thụ cho hoa cái, hoặc đục xuyên qua lá bao vào cắn phá hạt, gây thất thu lớn cho năng suất. Đẫy sức, sâu hóa nhộng ở ngay đường đục trong thân cây hoặc trong bẹ lá, lõi bắp hoặc lá bao.

Sâu đục thân và triệu chứng gây hại
*Điều kiện thuận lợi cho sự pháttriển của sâu đục thân: Nhiệt độ từ 15-32ºC, ẩm độ từ 95-100%.
*Biện pháp phòng trừ
Gieo trồng bắp tập trung thành những vùng sản xuất lớn, đúng thời vụ thích hợp.
Chọn và trồng những giống bắp chống chịu sâu đục thân.
Tạo điều kiện cho loài thiên địch với sâu đục thân. Bảo vệ và lợi dụng ong ký sinh.
Bố trí cơ cấu cây trồng hợplý. Không nên gieo trồng nhiều vụ bắp liên tiếp trong năm.
Bón phân cân đối.
Phòng trừ bằng thuốc có các hoạt chất: Chlorantraniliprole, Thiamethoxam, Abamectin,...(ví dụ: thuốc trừ sâu Prevathon 5SC; Voliam targo 063SC, Virtako 40WG, Kuraba WP,..)