Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay nông dược là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc. Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương khuyến cáo:
- Sử dụng thuốc khi cần thiết.
- Sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng gồm : Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách
Đúng thuốc
Căn cứ đối tượng dịch hại cần diệt trừ và cây trồng hoặc nông sản cần được bảo vệ để chọn đúng loại thuốc, dạng thuốc cần sử dụng vàdùng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.Việc xác định tác nhân gây hại cần sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật hoặc cán bộ khuyến nông.
Đúng lúc
Dùng thuốc khi sinh vật còn ở diện hẹp và ở các giai đoạn dễ mẫn cảm với thuốc, thời kỳ sâu non, bệnh chớm xuất hiện, trước khi bùng phát thành dịch. Phun trễ sẽ kém hiệu quả và không kinh tế.
Đúng liều lượng, nồng độ
Đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc, đảm bảo đúng liều lượng hoặc nồng độ pha loãng và lượng nước cần thiết cho một đơn vị diện tích. Phun nồng độ thấp làm sâu hại quen thuốc, hoặc phun quá liều sẽ gây ngộ độc đối với cây trồng và làm tăng tính chịu đựng, tính kháng thuốc.
Liều lượng là lượng thuốc ít nhất dùng cho một đơn vị diện tích để có thể tiêu diệt dịch xuống mức thấp nhất không gây hại cho cây trồng, thường tính bằng lít, kg thuốc thành phẩm hoặc nguyên chất cho 1 ha
Nồng độ thuốc là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun lên cây, thường tính bằng % hoặc ml, gam thuốc thành phẩm trong 1 bình phun hoặc 10 lít nước. Nồng độ được tính trên cơ sở liều lượng thuốc cần dùng và lượng nước cần phun.
Ví dụ: Có loại thuốc hướng dẫn nồng độ pha 0,2% (pha 2ml thuốc cho 1 lít nước), liều lượng dùng là 1 lít nước thuốc/ha, lượng nước cần dùng để phun sẽ là 500l/ha .
Đúng cách
Tùy vào dạng thuốc, đặc tính thuốc và những yêu cầu kỹ thuật cũng như nơi xuất hiện dịch hại mà sử dụng cho đúng cách. Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu phun vào buổi trưa, do nhiệt độ cao, tia tử ngoại nhiều làm thuốc nhanh mất tác dụng, thuốc bốc hơi mạnh dễ gây ngộ độc cho người phun thuốc; tránh phun trời mưa, làm giảm tác dụng thuốc.
Nên đi trên gió hoặc ngang chiều gió. Nếu phun ở đồng xa nên đi hai người để có thể cứu giúp nhau khi gặp nạn trong quá trình phun thuốc.
.jpg)
Phun thuốc BVTV tại xã Quảng Trường
Cách dùng hỗn hợp thuốc
Là pha hai hay nhiều loại thuốc nhằm trừ cùng một lúc được nhiều dịch hại.
Tuy nhiên cần lưu ý các điểm sau: Chỉ nên pha các loại thuốc theo sự hướng dẫn ghi trong nhãn thuốc, bảng hướng dẫn pha thuốc hoặc sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật biết rõ về đặc tính của thuốc. Nên hỗn hợp tối đa hai loại thuốc khác nhóm gốc hóa học, khác cách tác động, hoặc khác đối tượng phòng trừ trong cùng một bình phun.
Hỗn hợp thuốc nhằm một trong những mục đích sau:
- Mở rộng phổ tác dụng.
- Sử dụng sự tương tác có lợi.
- Hạn chế sự mất hiệu lực nhanh của một số hoạt chất.
- Gia tăng sự an toàn trong sử dụng.
- Tiết kiệm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên khi hỗn hợp cần tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất vì có những hoạt chất không thể hỗn hợp với nhau. Không phối hợp thuốc có tính acid với tính kiềm. Hiện nay đã có nhiều loại thuốc được pha sẵn để phần nào đáp ứng thị hiếu của bà con nông dân như thuốc trừ cỏ Butanil 55 EC được hỗn hợp từ hai hoạt chất : Propanil và Butachlor; Tilt super 300 ND được hỗn hợp từ hai hoạt chất Propiconazole và Difennoconazole; Sumibass 75 EC được hỗn hợp từ hai hoạt chất Fenitrothion và Fenoburcarb.
Lưu ý:Trong quá trình pha thuốc nếu hai loại thuốc là bột và nước thì pha tan thuốc bột trước sau đó mới cho thuốc nước vào pha tiếp.
.jpg)
hình minh họa
Sử dụng luân phiên thuốc.
Là thay đổi loại thuốc giữa các lần phun khi phòng trừ cùng một đối tượng (sâu, bệnh, cỏ dại)
Mục đích: ngăn ngừa sự hình thành tính chống thuốc của dịch hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc.
Ví dụ như thay đổi thuốc trừ sâu gốc Pyrethroid với thuốc gốc Lân hữu cơ hoặc Carbamate, giữa thuốc hoá học tổng hợp với thuốc vi sinh hoặc thảo mộc, giữa thuốc tác động thần kinh với thuốc chống lột xác...
Kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khác trong hệ thống biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.
- Gieo trồng các giống kháng sâu bệnh.
- Bảo đảm yêu cầu về phân bón.
- Chế độ nước phù hợp.
- Tận dụng các biện pháp thủ công (bắt, giết…)
- Chú ý bảo vệ thiên địch.