Thời kỳ cây lạc ra hoa, làm hạt diễn ra khoảng 30-40 ngày, cây lạc bước vào thời kỳ sinh trưởng sinh thực, nhưng vẫn cần phát triển các cơ quan sinh trưởng rất mạnh nên lạc có nhu cầu cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng dinh dưỡng sớm, mạnh và ra hoa tập trung; thời kỳ chín từ khi hạt định hình đến khi hạt chín hoàn toàn, kéo dài 30-40 ngày trước khi thu hoạch. Để giúp người trồng lạc tăng năng suất, chất lượng cho cây lạc. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật giúp tăng năng suất cho cây lạc xuân như sau:
.jpg)
Hình ảnh cây lạc ra hoa
Khi cây lạc có 9 lá thật, lạc bắt đầu ra hoa thì tiến hành xới xáo cho mặt đất, sâu 5-6 cm gần gốc. Khi lạc ra hoa rộ, bón 50% lượng vôi còn lại và kết hợp vun gốc cho lạc.
Tưới nước: trong thời kỳ lạc ra hoa nếu trời không mưa thì những nơi có điều kiện tưới nước cần tiến hành tưới theo 2 cách, một là tưới phun đều ruộng lạc, ướt thấm đất; hai là tháo nước đầy vào các rãnh, ngập mặt luống thì tháo nước ra.
Lượng phân bón cho một sào 500m2: Phân chuồng hoai mục 200-250kg/sào; lân supe 25-30kg; kali clorua 7-8kg; đạm ure 5-6kg; vôi 20-25kg. Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục + 1/2 supe lân + kcl + 1/3 urê; bón thúc chia làm 2 lần, lần một 10-15 ngày sau khi gieo (khi lạc mọc 3-4 lá thật) bón 1/3 urê, lần hai 25-30 ngày sau khi gieo (khi lạc ra 7-8 lá thật) bón 1/2 supe lân + 1/3 urê.
.jpg)
Ruộng lạc bước vào giai đoạn ra hoa - đâm tia - tạo quả
Bón đạm vô cơ, bón lân, kali và bón vôi đầy đủ, tạo sự cân đối trong dinh dưỡng khoáng; bón phân đạm cho lạc đòi hỏi hết sức thận trọng nếu bón không đúng kỹ thuật, đôi khi dẫn đến giảm năng suất do hiện tượng lạc lốp đổ. Chỉ bón thêm đạm cho cây lạc trong những trường hợp sau: lượng phân chuống bón lót không đủ, đất xấu, thiếu dinh dưỡng, cây sinh trưởng kém, có biểu hiện thiếu đạm, bộ rễ lạc tạo nốt sần kém, lượng đạm cố định do vi khuẩn cung cấp cho cây ít; nên ủ kali cùng phân chuồng để bón cho lạc, kali đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và sự phát triển quả (củ) làm tăng số nhân, tăng tỷ lệ hạt chắc, tăng năng suất và hàm lượng dầu trong hạt. Hàm lượng kali trong lá cao nhất ở thời kỳ ngay trước ra hoa sau đó giảm đi ở thời kỳ hình thành củ. Vì vậy cần bón kali sớm và kết thúc trước khi cây ra hoa. Thiếu kali xuất hiện những đốm vàng ở mép lá sau lan ra thành mảng và dần chết khô, thường ở lá non xuất hiện những vết đốm vàng nâu. Thiếu kali làm củ một nhân nhiều, tỷ lệ dầu thấp; Bón lân có tác dụng kích thích bộ rễ phát triển, rất cần cho sự hình thành nốt sần, tăng cường khả năng hút đạm của cây, thúc đẩy ra hoa hình thành củ sớm, giảm tỷ lệ lép.
Bón vôi cho cây lạc vừa nâng cao độ pH cho đất, cải tạo những vùng đất chua, đồng thời cung cấp canxi cho cây, tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn cố định đạm và là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo quả và hạt (bón 50% lượng vôi giai đoạn trước khi cày bừa lần cuối, 50% lượng vôi còn lại bón lúc lạc ra hoa rộ kết hợp vun gốc cho lạc). Ngoài ra, cũng cần bón bổ sung loại phân bón (phân tổng hợp NPK, phân bón lá,...) chứa thành phần trung vi lượng cho cây lạc trong thời kỳ ra hoa – đâm tia như magiê, molipden, Bo,... cây hút magiê mạnh nhất là thời kỳ lạc đâm tia; Molipden (Mo) có tác dụng tăng hoạt tính vi khuẩn nốt sần, tăng khả năng đồng hóa nitơ; Bo (B) giúp quá trình phát triển rễ, tăng khả năng chịu hạn, giúp cho quả không bị nứt, hạn chế nấm bệnh xâm nhập. Thiếu B làm giảm tỷ lệ đậu quả, hạt lép nhiều, sức sống hạt giống.
.jpg)
Hình ảnh bà con nông dân thu hoạch lạc tại xã Quảng Hải
Sâu bệnh có nguy cơ giảm năng suất lạc giai đoạn này gồm: sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá, bệnh đốm lá, gỉ sắt, làm mất khả năng quang hợp của cây, ngưng trệ quá trình tổng hợp chất hữu cơ nuôi cây, nuôi quả, làm giảm năng suất cây lạc; bệnh héo xanh vi khuẩn do vi khuẩn gây hại khi cây lạc bắt đầu ra hoa trở về sau, trong kỹ thuật trồng lạc nếu lạc phát triển rậm rạp, trời có mưa nắng xen kẻ, độ ẩm trong đất cao, nhiệt độ không khí cao (>35 0C) bệnh sẽ phát sinh gây hại nặng; bệnh lở cổ rễ, thối gốc mốc đen, thối gốc mốc trắng, bệnh này do nấm gây hại, thường gây hại cây lạc thời kỳ sau ra hoa, trên một số chân ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, thường xuyên ẩm ướt, thoát nước kém.
Biện pháp phòng sâu bệnh hại: Cần vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng từ vụ trước, làm đất kỹ, cày ải phơi đất, lên luống cao tránh để ruộng đọng nước hoặc quá ẩm; phát hiện bệnh sớm và nhổ bỏ cây bệnh rồi tưới nước vôi bột 4% vào đất nơi gốc cây bị bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh; khi chăm sóc và vun gốc bà con nên tránh gây vết thương ở gốc thân, rễ và cành lạc; bón phân đầy đủ, cân đối, tránh bón thừa đạm, đặc biệt bón đủ lượng vôi và lân( đảm bảo 20-25kg vôi + 25-30kg phân lân/sào 500m2).
Biện pháp trừ sâu bệnh hại: Thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện sớm sâu bệnh hại, khi cây lạc bị sâu bệnh gây hại bà con cần sử dụng các loại thuốc BVTV nằm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; phun thuốc trừ sâu khi mật độ sâu đến ngưỡng gây hại kinh tế trên 10 con/m2; phun trừ bệnh bằng bộ thuốc BVTV đặc trị nấm kết hợp dòng thuốc kháng sinh để phun khi bệnh chớm xuất hiện, nếu bị bệnh nặng cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, lưu ý phun ướt đẫm lá và thân gốc cây.
Thu hoạch: Khi phần lá dưới gốc vàng rụng, tầng lá giữa chuyển vàng dần, nhổ kiểm tra thấy trên 80% quả già (quả đã có gân điển hình của giống, mặt trong vỏ chuyển màu đen nhẵn, vỏ lụa có màu đặc trưng), khi đó thu hoạch lạc sẽ cho năng suất chất lượng cao nhất.