
Thực hiện Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2024 về triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 của UBND huyện Quảng Xương. Trung tâm y tế huyện Quảng Xương đã triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, viêt tin, bài truyền thông gửi cho Trạm y tế phối hợp với Đài truyền thanh xã, Thị trấn phát thanh tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền bằng các video, hình ảnh trên zalo, fecebook của Trung tâm; treo bawngzon, khẩu hiệu tại các vị trí trung tâm của xã; lồng ghép các nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong các hội nghị, hội thảo và trong các buổi họp thôn, xóm...
Với chủ đề năm 2024 “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Tháng hành động năm nay diễn ra từ ngày 01/12/2024 đến 31/12/2024 nhằm đạt được các mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn trong dự phòng lây nhiễm; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
HIV/AIDS không phải là bệnh xã hội, mà là một căn bệnh thật sự không phải chỉ những người “xấu”, người dính vào tệ nạn xã hội mới bị lây nhiễm mà tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV nếu không thực hiện các hành vi an toàn.
HIV lây truyền theo 3 con đường:
1. HIV lây truyền qua đường máu:
Có thể xảy ra khi máu của người nhiễm HIV xâm nhập vào cơ thể người khác qua dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da có dính máu hay dịch của người nhiễm HIV như: Bơm kim tiêm, dụng cụ châm cứu, xăm hình, dụng cụ y tế không được tiệt trùng đúng cách......
2. Lây truyền qua đường tình dục:
Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục đồng giới.....
3. Lây truyền từ mẹ sang con:
Khi một phụ nữ nhiễm HIV và mang thai sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong 3 thời kỳ: Trong quá trình mang thai; Khi chuyển dạ đẻ; Khi cho con bú. Để biết mình có bị nhiễm HIV hay không, chỉ xét nghiệm máu mới có thể biết được.
Các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS:
- Sống lành mạnh chung thủy 1 vợ 1 chồng.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với người chưa biết có nhiễm HIV hay không cần thực hiện tình dục an toàn bằng sử dụng bao cao su đúng cách.
- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV khi cần thiết.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật, xăm hình, châm cứu khi đã tiệt trùng.
- Không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay.
- Mọi phụ nữ thấy mình(chồng) đã (đang) có hành vi nguy cơ cao, nay muốn mang thai nên đến các cơ sở Y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Phụ nữ nhiễm HIV nếu muốn mang thai hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 mỗi người dân hãy nêu cao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS. Đối với các bạn trẻ cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội; có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè; không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS./.