
Tiêm vắc xin phòng cúm mùa cho trẻ tại Trạm y tế xã Quảng Hòa
Bệnh cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus cúm gây ra, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Tại Việt Nam, cúm mùa xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột.
1.Các chủng virus cúm phổ biến được chia thành ba loại chính đó là cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó:
Cúm A: Gây ra những đợt dịch lớn, thường gặp nhất là H1N1 và H3N2.
Cúm B: Gây bệnh nhẹ hơn cúm A, nhưng vẫn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Cúm C: Ít gặp hơn, thường gây triệu chứng nhẹ.
Bệnh cúm lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, virus có thể tồn tại trên bề mặt đồ vật và lây nhiễm khi người khác chạm vào rồi đưa tay lên mặt.
2.Triệu chứng của bệnh cúm
Người mắc cúm thường có các triệu chứng sau: Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức cơ thể, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn.
Ở một số người, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền, cúm có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp hoặc làm nặng thêm các bệnh mãn tính.
Hiện nay, cúm mùa vẫn là một trong những bệnh lây nhiễm phổ biến tại Việt Nam. Để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
3. Cách phòng ngừa bệnh cúm: Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa như sau:
Tiêm vắc xin cúm hàng năm: Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay, xà phòng, hạn chế chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người: Hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp.
Tăng cường hệ miễn dịch: Ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin C, tập thể dục thường xuyên.
Giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát: Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc để loại bỏ virus có thể tồn tại trên bề mặt đồ vật.
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh: Nếu trong gia đình có người mắc cúm, cần đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan.
Hầu hết các trường hợp cúm có thể tự khỏi sau 5-7 ngày với chế độ nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng hơn hoặc kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh cúm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn tác động đến toàn xã hội. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng./.