Phát triển tiểu thủ công nghiệp vốn là một trong bốn chương trình kinh tế - xã hội lớn của Ðảng bộ huyện trong giai đoạn 2001 - 2005. Ngành thủ công nghiệp ở Quảng Xương trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng mừng, chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế huyện. Một số xã đã xây dựng được phương án phát triển làng nghề phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương như: Quảng Ðức, Quảng Vọng, Quảng Khê,...
Chú trọng toàn diện từ đầu vào đến đầu ra
Cùng với việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, trong một vài năm gần đây, các cấp các ngành trong huyện đã quan tâm, mở rộng quy mô đào tạo nghề thủ công và đưa nghề mới vào nông thôn. Huyện đã mở rộng giao lưu với nhiều cơ sở làng nghề trong nước như cơ sở sản xuất Ngọc Ðộng (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đưa nghề mới mây giang xiên vào sản xuất, nhằm đa dạng hoá ngành nghề thủ công trong huyện. Ðồng thời, Quảng Xương còn không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu để phục vụ việc phát triển làng nghề mà trước hết là vùng nguyên liệu trồng cói. Những năm trước đây, ở một số xã, cây cói và cây đay không được quan tâm phát triển đúng mức nên sản lượng rất bấp bênh. Hiện nay, huyện đã tập trung đầu tư 54 triệu đồng cộng với hơn 120 triệu đồng của các hộ sản xuất để cải tạo 100 ha cói đã thoái hoá ở các xã như: Quảng Phúc, Quảng Long, Quảng Tường,... và chuyển đổi 50 ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng cói ở các xã Quảng Vọng, Quảng Khê,.... Nhờ vậy, diện tích trồng cói đã tăng lên 457 ha, tạo ra nguồn nguyên liệu tương đối ổn định cung cấp cho sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện còn tiếp tục tổ chức mở các lớp học nghề ở nhiều xã như: Quảng Ðức, Quảng Phong, Quảng Vân,... với hơn 600 lao động theo học. Trước yêu cầu đổi mới mẫu mã, kỹ thuật, công cụ, để nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, các cán bộ từ huyện đến cơ sở đã đi tham quan các đơn vị bạn nhằm nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của huyện. Sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong quá trình sản xuất là vấn đề quan trọng, song trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự sống còn. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, lãnh đạo huyện, xã, các chủ tổ hợp, hợp tác xã đã đi khắp các địa phương trong tỉnh, tỉnh bạn, để khảo sát thị trường, đầu mối với các đơn vị (như Công ty Xuất nhập khẩu miền Trung, Công ty Mây tre đan Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tây,...) để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hiệu quả từ một chủ trương đúng
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo huyện, trong hai năm gần đây, tiểu thủ công nghệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP, (năm 2002 chiếm 14%), chủ yếu là những ngành nghề như: dệt chiếu, mây tre đan, mây giang xiên, dệt len,...
Ðối với nghề trồng cói dệt chiếu, cây cói hiện đã được thâm canh theo vùng và được chăm bón kịp thời nên cho năng suất cao (năm 2001 đạt 10 tấn/ha, năm 2002 đạt 11,6 tấn/ha), nhiều hộ ở Quảng Vọng, Quảng Phúc đạt năng suất 15 - 16 tấn/vụ. Sản lượng cói chẻ cũng tăng nhanh: năm 2001 đạt 2.997 tấn thì đến năm 2002 đã lên tới 5.247 tấn, tăng 75%. Diện tích đay năm 2001 đạt 42 ha, thì đến năm 2002 tăng hơn 100%, đạt 98 ha với sản lượng đạt 429 tấn. ở một số xã như Quảng Khê, Quảng Hợp,... diện tích trồng đay gấp hai lần diện tích trồng lúa và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, nghề dệt chiếu cói ở Quảng Xương phát triển mạnh. Hiện nay, toàn huyện có 8.200 lao động tham gia dệt chiếu cói với 4.300 go, bình quân đạt hai triệu là chiếu/năm. Nghề xe lõi, dệt thảm được mở rộng đến các xã vùng ven biển như: Quảng Nam, Quảng Thạch, Quảng Ðại,... Số lao động tham gia nghề dệt lõi tính đến đầu năm 2003 là 1.100 người, cùng 581 máy tham gia sản xuất với sản lượng hơn 1.200 tấn cói/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 400 nghìn đồng/tháng. Sự lớn mạnh của nghề dệt cói tạo điều kiện cho các tổ hợp sản xuất công cụ cung cấp cho các xã trong huyện phát triển. Ðiển hình có tổ hợp trong hai năm đã sản xuất 200 máy xe lõi, cung cấp cho nhiều xã như: Quảng Ðại, Quảng Nam,...
Bên cạnh nghề dệt cói, nghề mây tre đan cũng phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các xã Quảng Phong, Quảng Ðức vẫn là cái nôi của nghề này, lực lượng lao động tham gia ngày càng tăng, tính đến nay có hơn 2.800 lao động tham gia sản xuất. Nghề mây giang xiên đã và đang thu hút nhiều lao động, thu nhập của người sản xuất bước đầu đã đạt 15 - 20 nghìn đồng/ngày. Ðể đáp ứng cho sự phát triển của nghề mây giang xiên, nhiều xã đã đầu tư mua máy chẻ mây, chấm dứt tình trạng phải mua mây chẻ sẵn của tỉnh ngoài.
Có thể thấy rằng, chủ trương phát triển ngành nghề truyền thống và mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác của huyện Quảng Xương là hết sức đúng đắn. Với chủ trương này, bước đầu đã giải quyết việc làm cho 12.300 lao động với mức thu nhập tương đối ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân, tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội huyện Quảng Xương.