Nước mắm truyền thống Quảng Nham sôi động thị trường Tết Nhâm Dần năm 2022
Quảng Nham là địa phương được nhiều nơi biết đến với nghề làm nước mắm truyền thống. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở Quảng Nham đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022.
Page Content
.jpg)
Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Trung xã Quảng Nham
mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 đến 25.000 lít nước mắm
Một trong những nét đặc biệt làm nên thương hiệu nước mắm Quảng Nham chính là nước mắm truyền thống được làm hoàn toàn bằng phương pháp ủ thủ công. Hiện nay, toàn xã có khoảng trên 100 hộ làm nước mắm, trong đó có 06 cơ sở sản xuất lớn, còn lại chủ yếu chế biến nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình. Để tạo ra những giọt nước mắm thơm ngon nguyên chất, các cơ sở, hộ gia đình đã lựa chọn loại cá cơm than mang trộn đều với muối, rồi cho vào thùng lớn ủ chượp trong vòng 24 đến 36 tháng để làm nên loại nước mắm với hương vị đặc biệt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đối với người dân làm nghề sản xuất nước mắm ở xã Quảng Nham thì Tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm nên sản lượng sản xuất tại các cơ sở gấp đôi ngày thường. Năm nay, thời tiết có nắng kéo dài nên hầu hết nước mắm làm ra đều có màu vàng óng, hương thơm đậm đà. Gia đình bà Nguyễn Thị Gái, thôn Trung, xã Quảng Nham, là một trong những hộ giữ gìn nghề làm nước mắm truyền thống và phát triển thành doanh nghiệp sản xuất nước mắm nổi tiếng, lâu đời với thương hiệu nước mắm “Gái Đức”. Với diện tích quy mô nhà xưởng trên 300m2 và gần 100 chum ủ mắm nên bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Gái xuất bán được khoảng 20.000 đến 25.000 lít nước mắm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 200 đến 250 triệu đồng/ năm. Riêng vào những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng nước mắm tăng cao nên sức tiêu thụ tại cơ sở cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với những ngày bình thường. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở các đại lý lớn trong tỉnh và các tỉnh ngoài, như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình…với giá từ bán từ 50 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/lít. Ngoài cơ sở của gia đình Bà Gái, hiện nay các cơ sở, hộ gia đình sản xuất nước mắm trên địa bàn xã Quảng Nham cũng đang tập trung sản xuất, tích trữ sẵn trong các thùng lớn và tiếp tục đóng chai, hoàn thiện các bao bì sản phẩm, chuyển đi tiêu thụ khắp các vùng, miền trong cả nước. Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nước mắm truyền thống trên thị trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các hộ sản xuất đặt lên hàng đầu. Quy trình chế đảm bảo tính truyền thống, tuyệt đối không sử dụng bất cứ hóa chất hay phụ gia nào nên các sản phẩm nước mắm Quảng Nham được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
.jpg)
Nước mắm Quảng Nham được chế biến hoàn toàn theo phương pháp thủ công
nên có màu vàng óng, vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, thị trường nước mắm truyền thống Quảng Nham đang dần khẳng định được vị thế khi lượng hàng vào dịp cuối năm thường tăng lên, điều đó không chỉ tác động đến những hộ sản xuất nước mắm truyền thống mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên biển, lao động địa phương. Vì thế, để nghề sản xuất nước mắm truyền càng mở rộng và phát triển, các cơ sở sản xuất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp lớn trong xây dựng và hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, khi đó nước mắm truyền thống địa phương mới có điều kiện vươn ra thị trường rộng lớn và tăng sức cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm. Nhờ nghề truyền thống sản xuất nước mắm mà nhiều hộ dân tại địa phương đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định.
Nguyễn Liên - Trung tâm VH,TT,TT&DL