Hiệu quả từ nghề nuôi cá chép đỏ ở thị trấn Tân Phong
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch cá chép phục vụ cho ngày 23 tháng chạp cúng Ông Táo về trời. Thời điểm này, các hộ nuôi cá chép tại thị trấn Tân Phong đang tích cực chăm sóc cũng như phòng bệnh cho cá phát triển tốt để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân trong và ngoài huyện.
Page Content
![](/portal/Photos/2021-12-27/c4fc52e222f4043d1%20(2).jpg)
Hiện nay, nghề nuôi cá chép đỏ ở thị trấn Tân Phong đã phát triển lên
đến hơn 100 hộ với diện tích khoảng 20 ha diện tích ao nuôi
Nghề nuôi cá chép cúng Ông Táo ở thị trấn Tân Phong đã có hàng chục năm nay, lúc đầu chủ yếu chỉ có ở làng Tân Cổ, nhưng sau khi nhận thấy nghề nuôi cá chép đỏ mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân nên đến nay nghề này đã phát triển lên đến hơn 100 hộ với diện tích khoảng 20 ha diện tích ao nuôi, tập trung ở các làng Tân Cổ, Tân Trúc, Tân Hậu, Tân Hoa. Hộ nào ít nhất thì có 1 ao nuôi, hộ nhiều có 3 đến 4 ao nuôi, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn để phục vụ tết Táo Quân. Vì thế, nhiều hộ gia đình ở thị trấn Tân Phong đã có cuộc sống khấm khá nhờ vào nghề nuôi cá chép. Năm nay, thời tiết ít mưa thuận lợi cho việc cải tạo ao nuôi nên bắt đầu từ tháng 07 âm lịch các hộ nuôi cá chép đỏ đã đồng loạt thả giống nuôi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay tất cả các ao nuôi cá sinh trưởng, phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi cá lâu năm cho biết: Cá chép từ khi thả giống đến khi thu hoạch phải mất khoảng 05 tháng. Trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi cá phải có kinh nghiệm riêng để hãm cá lớn, đảm bảo kích thước đồng đều, không quá to nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, khâu quan trọng nhất để cá không lớn đó là ao nuôi phải nhỏ, nước sạch, không quá sâu, thả cá dày, cho ăn thật ít mới khống chế được cân nặng của cá. Trung bình mỗi mét vuông mặt nước thả từ 500 đến 700 con và mỗi ao nuôi có đến hàng vạn con cá; thức ăn cho cá chủ yếu là các loại bột gạo, ngô, khoai, sắn...Giá cá bán sỉ hàng năm tại ao dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3 đến 5 ao nuôi sẽ có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng. Trong những năm gần đây, cá chép thị trấn Tân Phong không những được tiêu thụ ổn định tại các huyện trong tỉnh mà còn cung ứng cho nhiều tỉnh ngoài như: Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
![](/portal/Photos/2021-12-27/b4fbcccf173bd62d1%20(1).jpg)
Cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong được người mua ưa chuộng vì cá màu đỏ đều, dáng đẹp, khỏe mạnh
Nghề nuôi cá ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, mà còn gìn giữ một nét truyền thống vốn có của cha ông để lại. Với định hướng phát triển của địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, nghề nuôi cá chép ở thị trấn Tân Phong đang dần khẳng định thương hiệu của một “làng nghề” truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có cuộc sống no đủ, khấm khá, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nguyễn Liên - Trung tâm VH,TT,TT&DL