Trong những năm qua, việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống luôn được huyện quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của địa phương.
Quảng Xương từ lâu nổi tiếng với nghề trồng cói, dệt chiếu. Không ai nhớ nghề này có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời, theo kiểu “Cha truyền con nối”. Trải qua biết bao thăng trầm, các làng nghề vẫn được lưu giữ và ngày càng phát triển tại các xã, như: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn. Với 550 ha diện tích đất trồng cói, sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/ năm. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, người dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng để nâng cao hiệu quả của làng nghề dệt chiếu truyền. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 500 máy dệt chiếu cói, với công suất mỗi máy dệt được khoảng 30 đến 35 đôi/ ngày, cao gấp nhiều lần so với làm thủ công truyền thống. Nghề dệt chiếu cói truyền thống của huyện không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương từ 03 đến 07 triệu đồng/người/tháng. Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TPHCM, Hưng Yên và các tỉnh lân cận khác...
![](/portal/Photos/2023-03-08/948f1d8855f06f8d1%20(1).jpg)
Xã Quảng Chính có 05 làng nghề trồng đào được UBND tỉnh công nhận làng nghề
Bên cạnh các làng nghề dệt chiếu, những năm gần đây, nghề trồng đào của người dân xã Quảng Chính cũng phát triển khá ổn định. Với giống đào phai cánh kép, được lưu truyền trong nhân dân từ lâu đời; trước đây người dân chủ yếu trồng trong vườn nhà để làm cây cảnh trưng ngày Tết trong gia đình, sau khi nhận thấy giá trị kinh tế từ cây đào mang lại vào dịp cuối năm, người dân xã Quảng Chính đã chuyển hướng canh tác nhỏ lẻ sang trồng tập trung với số lượng quy mô lớn và ngày càng được nhân rộng. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, đến nay, toàn xã đã phát triển được 35 ha diện tích trồng đào với trên 300 hộ tham gia. Dịp tết Nguyên đán năm 2023, tổng doanh thu từ cây đào đạt 24 tỷ đồng; hộ trồng nhiều nhất có diện tích là 6.000 m2; hộ trồng ít nhất cũng có diện tích 200m2 trở lên, bình quân mỗi hộ cho thu nhập từ 80 đến 90 triệu đồng/năm, hộ nhiều đạt thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ năm. Có thể khẳng định, từ lâu, đào phai hoa kép đã trở thành cây trồng chủ lực, mang giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2023 đạt gần 68 triệu đồng/ người/ năm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 20 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 10.000 lao động; có 10 xã có hoạt động nghề truyền thống và làng nghề, như: Chiếu cói, mây tre đan, nước mắm, chế biến hải sản, tái chế cao su, trồng đào... đến nay, toàn huyện có 05 làng nghề dệt chiếu cói truyền thống của xã Quảng Phúc là Ngọc Bình, Ngọc Đới, Ngọc Nhị, Văn Giáo, Liên Sơn và 05 làng nghề trồng đào xã Quảng Chính là thôn Phú Lương, thôn Chính Đa, thôn Thanh Xuân, thôn Ngọc Diêm 1, Ngọc Diêm 2 được UBND tỉnh công nhận. Ngoài các làng nghề được công nhận, còn có một số nghề cũng khá phát triển, phải kể đến như nghề làm nước mắm và nghề chế biến hải sản Quảng Nham. Một trong những nét đặc trưng làm nên thương hiệu nước mắm Quảng Nham chính là nước mắm truyền thống được làm hoàn toàn bằng phương pháp ủ thủ công. Hiện nay, toàn xã có gần 100 hộ làm nước mắm, trong đó có 06 cơ sở sản xuất lớn, còn lại chủ yếu chế biến nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình. Với quy trình chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo tính truyền thống, không sử dụng hóa chất bảo quản, nên các sản phẩm nước mắm Quảng Nham không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn được xuất bán nhiều cho các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang... Hay như nghề đan cói thủ công mỹ nghệ phát triển ở các xã: Quảng Long, Quảng Yên, Quảng Hợp, Quảng Ngọc đã và đang thu hút hơn 300 lao động tham gia, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Ngay cả những nghề có nguy cơ mai một cao như nghề mây tre đan tại thị trấn Tân Phong cũng có sự chuyển biến rõ nét do thị trấn đã chủ động đấu mối liên kết với các cơ sở thu mua, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong và ngoài huyện để tiêu thụ sản phẩm. Hiện nghề mây tre đan tại thị trấn Tân Phong đang thu hút gần 200 hộ lao động tham gia, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng…
![](/portal/Photos/2023-03-08/15d484abcbdf543d1%20(2).JPG)
Xã Quảng Phúc có 05 làng nghề dệt chiếu cói truyền thống được UBND tỉnh công nhận làng nghề
Thời gian qua, để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khôi phục, duy trì và mở rộng các ngành nghề truyền thống, trong đó, chú trọng mở các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, truyền nghề, bảo đảm học viên, người lao động sau khi học nghề có thể thực hành, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển các sản phẩm, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường; hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu tiến tới xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu OCOP gắn tiêu thụ với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Để tiếp tục duy trì, phát triển bền vững các làng nghề, huyện đang tập trung thực hiện tốt định hướng, mục tiêu và giải pháp trong Đề án “Duy trì, phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Xương giai đoạn 2021-2025”. Định hướng, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng làng nghề, máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho lao động làng nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho một bộ phận lao động nông thôn nhàn rỗi, dôi dư và lao động yếu thế; hỗ trợ các hộ có nghề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất; kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; quan tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các sản phẩm làng nghề, làng có nghề liên quan đến chế biến thực phẩm được hướng dẫn đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm từ các làng nghề gắn làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Phấn đấu đến năm 2025, nâng số làng nghề được UBND tỉnh công nhận lên 12 làng, thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt từ 07 đến 08 triệu đồng/người/tháng. 100% sản phẩm làng nghề được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường và có ít nhất 10 sản phẩm OCOP là sản phẩm làng nghề; nâng diện tích trồng đào Quảng Chính lên 40ha, sản phẩm đào Quảng Chính có mặt tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Việc giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện không chỉ tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân mà còn mang ý nghĩa giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương, qua đó từng bước khẳng định thương hiệu các sản phẩm truyền thống trên thị trường, góp phần kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.